Chuyển đổi mô hình quản lý chợ: Chưa thay đổi nhiều về “chất”!

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ở nhiều chợ mới chỉ dừng lại ở khâu chuyển giao mô hình quản lý, còn hoạt động kinh doanh, khai thác thì chưa có nhiều thay đổi.
Mặc dù đã chuyển đổi cho HTX quản lý, kinh doanh, khai thác, nhưng chợ Già vẫn còn nhếch nhác, bẩn thỉu, ô nhiễm; BQL Chợ vẫn cho kinh doanh, buôn bán ngoài khuôn viên chợ gây lộn xộn, mất ATGT.

Chợ Già (Thạch Kênh - Thạch Hà) được đầu tư xây dựng từ nguồn dự án IFAD và ngân sách địa phương với tổng mức đầu tư 2,4 tỷ đồng. Năm 2016, chợ được chuyển đổi cho HTX Văn Minh quản lý, khai thác. Mặc dù được đầu tư xây dựng khá khang trang, diện tích rộng, điều kiện kinh doanh thuận lợi (là trung tâm của vùng phía nam Thạch Hà và các huyện Can Lộc, Lộc Hà) nhưng chợ Già cũng chỉ thu hút được 30 hộ kinh doanh.

Điều đáng nói, từ khi nhận quản lý, khai thác, hàng ngày, Ban quản lý chợ chỉ lo mỗi việc “chốt” ở cổng để thu phí ra vào chợ, còn việc vệ sinh môi trường, bảo quản, nâng cấp chợ gần như bỏ mặc. Hệ quả là nền chợ bẩn thỉu, môi trường kinh doanh ô nhiễm, hoạt động kinh doanh, mua bán hết sức lộn xộn…

Chợ Tùng Ảnh (Đức Thọ) được đầu tư xây dựng khá hoành tráng trên diện tích gần 3 ha, gồm 1 đình chính, 2 đình phụ, quy mô 300 ki-ốt… với số tiền đầu tư 17 tỷ đồng. Mặc dù tọa lạc vị trí khá thuận lợi về giao thông đường bộ lẫn đường thủy, vậy nhưng, nghịch lý là chợ Tùng Ảnh chỉ có khoảng 30 hộ kinh doanh buôn bán (đạt 10% công suất). Do hiệu quả kinh doanh thấp, hàng năm, đơn vị quản lý chợ cũng chỉ nộp ngân sách chưa đến 100 triệu đồng.

chuyen doi mo hinh quan ly cho chua thay doi nhieu ve chat

Chợ Tùng Ảnh (Đức Thọ) được đầu tư hoành tráng, quy mô lớn nhưng hoạt động chỉ đạt 10% công suất thiết kế.

Chợ Già, chợ Tùng Ảnh là 2 trong số 81 chợ chuyển đổi không gắn với chuyển quyền sở hữu tài sản chợ (chiếm 73,64% tổng số chợ chuyển đổi). Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh Nguyễn Thiện Chung thì: “Do chuyển đổi chợ nhưng không gắn với chuyển quyền sở hữu tài sản nên chưa gắn được trách nhiệm duy tu, bảo quản đối với các đơn vị (HTX, doanh nghiệp) được giao quản lý chợ. Trong khi đó, phần tài sản chợ, địa phương vẫn phải chịu trách nhiệm bảo quản, duy tu, nâng cấp. Đây cũng là cái khó cho địa phương và chưa nâng cao trách nhiệm đối với các đơn vị quản lý chợ”.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Mặc dù chuyển đổi mô hình đã cơ bản hoàn thành, nhưng hoạt động kinh doanh, khai thác chợ vẫn còn những bất cập. Đặc biệt, công tác phát triển và quản lý chợ chưa được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu. UBND cấp huyện, xã chủ yếu chỉ giao cho đơn vị quản lý, thiếu hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, nội quy hoạt động, phương án sắp xếp ngành nghề kinh doanh, giá thu dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ... của các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ”.

Một trong những khó khăn, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh đối với các chợ sau chuyển đổi đó là chưa nhận được sự phối hợp, giúp đỡ của chính quyền địa phương, trong đó, chợ Kỳ Anh là ví dụ điển hình. Năm 2015, chợ Kỳ Anh được đầu tư xây dựng tại địa điểm mới theo hình thức xã hội hóa. Mặc dù được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng tiêu chuẩn chợ hạng 1 nhưng việc duy trì hoạt động của chợ đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân, do chính quyền địa phương chưa dẹp bỏ chợ tự phát tại khu vực chợ cũ, nhiều hộ kinh doanh và khách hàng theo thói quen vẫn tập trung mua bán ở chợ cũ.

Một số địa phương chưa có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và vai trò của công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ; thậm chí còn cho rằng, chỉ cần thành lập doanh nghiệp/HTX và ban hành quyết định giao quản lý là hoàn thành việc chuyển đổi theo kế hoạch mà không tính đến những ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân sau khi chuyển đổi cũng như việc chấp hành các quy định về hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp/HTX sau thành lập.

Hiện nay, các tổ chức, cá nhân quản lý chợ chủ yếu tập trung vào việc sắp xếp để sử dụng tối đa diện tích kinh doanh mà chưa chú trọng đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh. Vì vậy, ở những chợ diện tích kinh doanh bình quân quá thấp sẽ xảy ra tình trạng sai lệch thiết kế, ảnh hưởng đến kết cấu, không gian kiến trúc của chợ. Ngược lại, ở một số chợ, do chưa có các hình thức quản lý hoặc biện pháp khuyến khích kinh doanh thích hợp nên thương nhân lại họp bên ngoài chợ, gây lãng phí công trình, mất mỹ quan và ảnh hưởng giao thông công cộng.

Để việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ đảm bảo “đổi về lượng, chuyển về chất”, đáp ứng nhu cầu kinh doanh – mua bán ngày càng văn minh, hiện đại, ngoài việc tăng cường kêu gọi đầu tư xã hội hóa, các sở, ngành, địa phương và các đơn vị quản lý chợ cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình vận hành, khai thác chợ.

Thanh Hoài
baohatinh.vn