Chuyện thoát nghèo ở Hà Tĩnh

Nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của VBSP đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới…

Thoát nghèo từ thế mạnh

Gồng gánh những khắc nghiệt từ thiên nhiên, gần đây là rủi ro về môi trường... Hà Tĩnh, một địa phương còn gặp nhiều khó khăn ở dải đất miền Trung. Thế nên, trên mảnh đất này nguồn vốn tín dụng ưu đãi đang ngày đêm âm thầm góp sức vào việc xóa đói, giảm nghèo… Sau nhiều lần lỡ hẹn, trong chuyến công tác mới đây tại Hà Tĩnh, chúng tôi quyết định ghé thăm Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP), chi nhánh Hà Tĩnh.

Tại trụ sở VBSP Hà Tĩnh, ông Lưu Văn Minh, Giám đốc chi nhánh với sự nhiệt tình, tác phong nhanh nhẹn như một nhà binh, nhanh chóng sắp xếp đưa chúng tôi lên Hương Khê. Ông Minh cho biết, Hương Khê, một huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam của Hà Tĩnh, trước đây cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Nhưng, gần đây những đồng vốn tín dụng ưu đãi đã và đang trở thành “bà đỡ” để người dân thoát nghèo, phát huy thế mạnh vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương…

Mô hình trồng bưởi Phúc Trạch ở Hương Khê

Hương Khê, vùng đất nổi tiếng với bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, chè xanh Hương Trà, sắn Động Cửa… Kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp, kết hợp với trồng cây ăn quả, cây cao su, chăn nuôi…

Những năm gần đây, cùng với các nguồn lực khác, những đồng vốn từ VBSP Hà Tĩnh góp phần phát huy tiềm năng về điều kiện thổ nhưỡng, đầu tư tư xây dựng mô hình trồng bưởi Phúc Trạch hay cam Khe Mây… trở thành những cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân nơi đây. Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Yến, ở xóm 6, xã Hà Linh, một trong những gia đình thoát nghèo bền vững nhờ vốn chính sách.

 Nhớ cách đây gần chục năm, gia đình chị Yến còn nằm trong danh sách những hộ nghèo nhất nhì Hà Linh. Chị Yến tâm sự, cứ ngỡ phận nghèo sẽ đeo bám mẹ con tui như định mệnh. Thế nhưng, thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn của hội nông dân xã, gia đình mạnh dạn vay 20 triệu trong chương trình hộ nghèo, đầu tư mua 1 con trâu giống về nuôi.

Nhờ chịu khó, chắt chiu làm ăn, chăm chút cho “con trâu quý”, đến nay gia đình đã gây dựng được đàn trâu 8 con, trị giá trên 100 triệu đồng. “Bóc ngắn, cắn dài”, từ những bước khởi đầu, cùng với 50 triệu đồng được vay theo chương trình hộ thoát nghèo, vợ chồng chị quyết định đầu tư hơn 3ha đất đồi trồng bưởi Phúc Trạch, sang năm tới sẽ bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên. Với việc phát triển chăn nuôi cùng trồng bưởi Phúc Trạch, từ cảnh chạy cơm từng bữa, đến nay gia đình chị Yến đã cơ bản thoát nghèo bền vững…

Cùng thoát nghèo nhờ những đồng vốn ưu đãi ở Hà Linh còn có gia đình anh Thái Văn Toàn. Những năm trước cuộc sống của gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đang loay hoay tìm hướng để thoát nghèo, thông qua Hội Nông dân gia đình được vay 30 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo. Từ những đồng vốn này, phát huy thế mạnh chăn nuôi ở địa phương, gia đình anh cũng đầu tư cho chăn nuôi và trồng cam, bưởi…

Sau nhiều nỗ lực đến nay gia đình đã gây dựng được 5 con trâu cùng hàng trăm gốc bưởi Phúc Trạch. Ước tính từ trồng trọt và chăn nuôi, mỗi năm gia đình cũng thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng. Khó khăn lùi xa, gia đình anh đã nằm trong danh sách hộ thoát nghèo bền vững ở Hà Linh…

Khẳng định những hiệu quả của đồng vốn từ VBSP Hà Tĩnh, đối với việc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, ông Hoàng Minh Long, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Linh, cho biết, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp nhiều gia đình bớt đi cảnh nghèo khó, cải thiện cuộc sống; Đồng thời, góp phần đẩy nhanh phong trào xây dựng nông thôn mới, làm cho bộ mặt nông thôn ở địa phương ngày thêm khởi sắc.

Từ Hà Linh, nhìn rộng ra cả Hương Khê, đến nay toàn huyện có trên 5.000 hộ làm kinh tế vườn, trang trại với diện tích trên 6.000 ha. Trong đó, diện tích cam và bưởi Phúc Trạch đạt 2.800 ha. Năm 2015, với 1.800 ha cam và bưởi đã cho thu hoạch, bà con nông dân Hương Khê thu về trên 530 tỷ đồng... Mùa quả ngọt đó, minh chứng cho nhiều nỗ lực của bà con, cùng những góp sức từ tín dụng ưu đãi, biến khó khăn thành động lực, thoát nghèo từ những thế mạnh tiềm năng sẵn có ở địa phương…

Đồng sức xóa đói, giảm nghèo

Có thể khẳng định, từ một tỉnh nghèo ở khu vực miền Trung, trong những năm qua nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của VBSP đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới… Bởi, từ nhiều khó khăn đến nay Hà Tĩnh trở thành tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trung bình của cả nước. Trong giai đoạn  2010 - 2015 cùng với tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ giảm nghèo cũng khá ngoạn mục, từ mức 24% năm 2010 đến nay còn dưới 5%...

Để đạt được tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh như vậy, bên cạnh nỗ lực của cả hệ thống chính trị, địa phương cũng đã phát huy được hiệu quả đồng vốn ưu đãi. Trong thực tế, từ những địa phương ven biển Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên cho đến vùng cao biên giới như Hương Sơn, Vũ Quang hay Hương Khê… những đồng vốn ưu đãi xuống tận các hộ nghèo, đối tượng chính sách một cách công khai, dân chủ, phát huy được những hiệu quả trong thực tế…

Phát triển chăn nuôi từ vốn chính sách ở Thạch Hà

 Để đạt được những thành tích đó, trước hết theo ông Lưu Văn Minh, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định, việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó, trực tiếp chỉ đạo, phối hợp tích cực trong suốt quá trình đầu tư nguồn vốn đến công đoạn thu hồi nợ.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn càng có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của VBSP trên địa bàn. Công tác bình xét, xác nhận đối tượng vay chính xác, hạn chế cho vay sai đối tượng;

Việc kiểm tra, giám sát vốn vay thường xuyên và kịp thời, hạn chế tình trạng vay ké, đồng thời giúp đồng vốn vay của hộ nghèo, đối tượng chính sách phát huy hiệu quả. Đến nay, UBND các cấp đã trích nguồn ngân sách địa phương chuyển sang cho chi nhánh, cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác số tiền 57,150 tỷ đồng, tăng 6,8 tỷ đồng so với năm 2015. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh 52 tỷ đồng, nguồn ngân sách cấp huyện 5,150 tỷ đồng…

Bên cạnh, những đồng sức xóa đói, giảm nghèo VBSP Hà Tĩnh chú trọng việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay, toàn tỉnh có 3.871 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, trong đó phần lớn của Hội Nông dân và Hội Phụ nữ. Đây được ví như “cánh tay nối dài”, làm vệ tinh cho chi nhánh trong việc kết nối với khách hàng…

Ông Lê Đình Mạnh, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn 6, xã Hà Linh, huyện Hương Khê cho biết, toàn thôn có 65 hội viên, trong đó 50 hộ vay vốn với số tiền gần 2 tỷ đồng. Hầu hết các hội viên vay để cải tạo vườn tạp, trồng bưởi Phúc Trạch… theo các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Đưa vốn đúng đối tượng, việc bình xét cho vay luôn bảo đảm công khai, dân chủ, nắm bắt tình hình sử dụng vốn của từng hộ, đồng thời vận động, nhắc nhở mọi người trả nợ, nộp lãi đúng kỳ hạn…

Thêm một yếu tố góp phần nâng cao chất lượng tín dụng của VBSP Hà Tĩnh, các điểm giao dịch xã hoạt động ngày càng hiệu quả. Với việc tăng cường cơ sở vật chất, công khai rộng rãi các chính sách tín dụng ưu đãi, tổ chức tốt các giao dịch ngân hàng, điểm giao dịch xã đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con tiếp cận vốn ưu đãi…

Đến 30/6/2016, tổng doanh số cho vay của chi nhánh đạt 674 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 457 tỷ đồng. Dư nợ đạt 3.618 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 217 tỷ đồng, đạt 99,8% kế hoạch. Trong đó, nợ quá chỉ chiếm tỷ lệ 0,07% tổng dư nợ...

Đặc biệt, kịp thời hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo và đối tượng chính sách tại các xã ven biển bị ảnh hưởng sau sự cố môi trường, thủy hải sản chết bất thường, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, ổn định cuộc sống, VBSP Hà Tĩnh đã kịp thời trình hội sở phân bổ nguồn vốn cho vay bổ sung, cho vay chuyển đổi ngành nghề, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống số tiền 51,5 tỷ đồng.

Trong đó chương trình hộ nghèo 12,4 tỷ, hộ cận nghèo 8,8 tỷ, hộ thoát nghèo 6,7 tỷ, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 20 tỷ... Đồng thời, gia hạn nợ đối với các trường hợp khách hàng thuộc các xã ven biển gặp khó khăn, đảm bảo cho khách hàng có thời gian khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống...

…Thay cho lời kết, là tâm sự của ông Lưu Văn Minh với chúng tôi, từ cán bộ xuống tận những nhân viên của VBSP Hà Tĩnh sẽ không bằng lòng những gì đã làm được cho bà con, mà sẽ luôn cố gắng từng ngày để những đồng vốn ưu đãi ngày càng đến được với nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Góp phần giúp gia đình ở mảnh đất còn khó khăn như Hà Tĩnh bớt đi cảnh đời nghèo khó, vươn lên thoát nghèo bền vững...