Công nghệ mới giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững
- Thứ sáu - 18/03/2016 08:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những năm gần đây, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tại Hà Tĩnh phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Năm 2015, tổng sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh đạt 3.487 tấn, trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 2.804 tấn (chiếm 80 %); một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến cho năng suất 30 – 40 tấn/ha/vụ, giảm giá thành sản xuất xuống còn 60 – 70 ngàn đồng/kg tôm cỡ 50 – 60 con/kg.
Tuy vậy, dịch bệnh (chủ yếu là bệnh gan tuỵ, bệnh phân trắng) còn xẩy ra thường xuyên ở nhiều vùng nuôi gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm, đặc biệt là một số hộ nuôi tôm trên cát và nuôi tôm thâm canh.
Tại hội thảo, đại diện một số hộ nuôi, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật trong và ngoài ngành đánh giá đúng mức độ kết quả, những thuận lợi, khó khăn, đồng thời đưa ra các giải pháp đảm bảo cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tại Hà Tĩnh phát triển hiệu quả, bền vững.
Theo đó, bắt đầu từ vụ nuôi tôm 2016, người nuôi tôm cần áp dụng kỹ thuật công nghệ nuôi mới, tiên tiến vào nuôi tôm thẻ nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, hạn chế rủi ro do dịch bệnh gây ra trên tôm nuôi; tập trung nguồn vốn đầu tư hạ tầng cơ sở về hệ thống đường giao thông, điện, hệ thống cấp thoát và xử lý môi trường.
Về con giống, phải chú trọng chất lượng, phải qua kiểm dịch của cơ quan chuyên môn, chọn dòng tôm kháng bệnh tốt có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng; nên bố trí nuôi rải vụ để hạn chế khan hiếm giống và chủ động hơn về tiêu thụ sản phẩm...
Ngoài ra, các ngành liên quan cần chú trọng vấn đề quản lý quy hoạch, các yếu tố đầu vào, phòng ngừa dịch bệnh và phát huy hiệu quả công tác quản lý cộng đồng tại các vùng nuôi tôm.
Theo Báo Hà Tĩnh