Công nghiệp Hà Tĩnh trên đà bứt phá!
- Chủ nhật - 25/01/2015 22:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các dự án của Formosa đi vào hoạt động đã làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh, vùng đất có khí hậu khắc nghiệt lại xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, cơ sở hạ tầng còn khá khiêm tốn. Trước đây, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền nơi đây luôn đặt nhiệm vụ phát triển CN-TTCN, thương mại - dịch vụ lên hàng đầu. Theo đó, nhiều chính sách mới về phát triển CN-TTCN, thu hút đầu tư được ban hành, nhiều quy hoạch chuyên ngành được triển khai… Nhờ đó, công nghiệp Hà Tĩnh những năm gần đây đã có bước phát triển vượt bậc.
Tốc độ tăng trưởng GDP trong công nghiệp tính từ 2011-2014 bình quân đạt trên 20% (mức tăng trưởng của cả nước trong khoảng thời gian này chỉ đạt khoảng 10-12%/năm). Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm cũng tăng xấp xỉ 20%. Cơ cấu công nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực; tỷ trọng công nghiệp khai khoáng giảm dần, công nghiệp chế biến được nâng lên.
Thành tựu nổi bật nhất của công nhiệp Hà Tĩnh trong những năm qua là đã thu hút nhiều dự án mang tầm cỡ quốc gia của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Trước hết, phải kể đến dự án Khu Liên hợp gang thép, lọc hóa dầu và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn FORMOSA với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ USD (giai đoạn 1); Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I công suất 1.200 MW, tổng mức đầu tư 1,9 tỷ USD; Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh công suất 50 triệu lít/năm; dự án cấp nước KKT Vũng Áng của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn với tổng mức đầu tư trên 4.400 tỷ đồng… Tất cả đã góp phần đưa KKT Vũng Áng nói riêng và Hà Tĩnh nói chung trở thành trung tâm công nghiệp năng động nhất khu vực Bắc Trung bộ. Với những kết quả đó, thời gian gần đây, Hà Tĩnh được xếp vào một trong những tỉnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ lớn nhất cả nước.
Bên cạnh những “siêu” dự án trên, một số dự án khác như: Tổng kho xăng dầu Vũng Áng, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn, Nhà máy Sản xuất vật liệu hàn LILAMA, Nhà máy Chế biến tinh bột mỳ Vedan… đã đi vào sản xuất, góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà.
Cùng với công tác thu hút đầu tư, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, sản xuất CN-TTCN được tỉnh quan tâm, chú trọng. Tính đến đầu năm 2015, toàn tỉnh có trên 700 doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN với tổng số vốn đăng ký hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, trên 200 doanh nghiệp tư nhân với tổng vốn đăng ký 247,3 tỷ đồng, 253 công ty TNHH với số vốn 452,57 tỷ đồng và 160 công ty cổ phần, vốn điều lệ gần 10.500 tỷ đồng cùng 38 HTX tiểu thủ công nghiệp và hơn 16.000 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể; giải quyết việc làm cho gần 70.000 lao động.
Công tác đầu tư và phát triển khu, cụm công nghiệp tập trung những năm gần đây được Hà Tĩnh quan tâm, chú trọng. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 19 cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt, quy hoạch chi tiết với diện tích 499 ha, tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng gần 200 tỷ đồng. Trong đó, có 9 cụm công nghiệp đi vào khai thác với 140 dự án, vốn đăng ký 2.600 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 2.500 lao động. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp của khối kinh tế này trong năm qua đạt 2.300 tỷ đồng.
Năm 2014, giá trị CN-TTCN trên địa bàn đạt 9.004,64 tỷ đồng, tăng 22,97% so cùng kỳ (mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua - PV). Những con số ấn tượng này là kết quả của một quá trình phấn đấu của ngành CN-TTCN tỉnh nhà nhiều năm qua…
Với mục tiêu phấn đấu đưa Hà Tĩnh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp và dịch vụ trong nhiệm kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ tới, Hà Tĩnh đang tập trung chỉ đạo các nhà đầu tư hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm đúng tiến độ, nhất là dự án trong KKT Vũng Áng; đồng thời, thu hút và phát triển các dự án công nghiệp phụ trợ nhằm tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc lập, rà soát, điều chỉnh và quản lý quy hoạch có hiệu quả; hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch ngành công nghiệp phụ trợ, hệ thống cơ sở hạ tầng các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh, làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
Có thể thấy, hoạt động CN-TTCN của Hà Tĩnh thời gian qua đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đây là nền tảng vững chắc để ngành công nghiệp tỉnh nhà bứt phá trong tương lai.
Đình Trung
Nguồn: baohatinh.vn