Công nghiệp hóa không quên nông nghiệp
- Thứ bảy - 08/12/2012 05:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việc Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa vừa khởi công tại tỉnh Hà Tĩnh vào những ngày cuối năm 2012 đã khẳng định, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư tin cậy của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, đồng thời ghi dấu mốc quan trọng đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.
Với mức đầu tư hiện tại là 9,96 tỷ USD, công suất giai đoạn I hơn 7 triệu tấn phôi thép/năm, là nhà máy thép quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Dự án án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương được kỳ vọng sẽ cùng những dự án lớn khác tại Khu kinh tế Vũng Áng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh nói riêng, khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước nói chung.
Nhưng bên cạnh kỳ vọng vào dự án lớn này, nhiều vấn đề về an sinh xã hội, đảm bảo đời sống đồng bào tái định cư vùng dự án và phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp cũng được đặt ra.Ngay tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện các dự án lớn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, Hà Tĩnh phải tiếp tục tính toán, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện cả công nghiệp - nông nghiệp và dịch vụ. Ngoài ra, Hà Tĩnh cần triển khai hiệu quả các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tập trung phát triển công nghiệp, các khu kinh tế, dự án trọng điểm nhằm tạo bước nhảy vọt phải gắn với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để phát triển bền vững.
Không thể không lưu ý những điểm đó, bởi riêng giai đoạn I, Dự án này đã cần tới gần 3.000 ha mặt bằng, tác động trực tiếp tới 10.000 lượt hộ dân và phải di dời, tái định cư cho hơn 500 hộ gia đình. Có thể khẳng định rằng, việc đảm bảo nơi ăn, ở ổn định và kế sinh nhai cho hàng vạn người nhường đất cho công nghiệp chính là bài toán “hậu phát triển công nghiệp” không dễ giải của tỉnh Hà Tĩnh.
Lưu ý của của người đứng đầu Chính phủ với tỉnh Hà Tĩnh cũng chính là thông điệp đặt ra với cả nước. Bởi lẽ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự lựa chọn tất yếu để phát triển, đưa đất nước thoát ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng cũng không thể coi nhẹ phát triển nông nghiệp, không chỉ bởi phần đông dân số Việt Nam vẫn sống bằng nông nghiệp, mà thực tế nhiều năm qua, nông nghiệp vẫn thực sự là điểm tựa của nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn trước mắt, cũng như về lâu dài.
Hơn nữa, thực tế quá trình công nghiệp hóa đã và đang để lại những hệ quả nhất định về kinh tế - xã hội, từ sự suy giảm sản xuất nông nghiệp, phi nông hóa người làm nông nghiệp, đến quá trình đô thị hóa nhanh chóng, làm chuyển biến bộ mặt nông thôn.
Chính vì thế, càng đẩy mạnh công nghiệp hóa, càng phải chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn để phát triển bền vững. Điều này càng được khẳng định, khi Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành một nghị quyết riêng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (Nghị quyết 26/NQ – TW), khẳng định giải quyết vấn đề nổi cộm nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của hệ thống chính trị và toàn xã hội, là yêu cầu bức thiết trong quá trình công nghiệp hóa.
Do đó, nhận thức đúng về tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời giải quyết thấu đáo những vấn đề tam nông sẽ là cơ sở để tiến hành công nghiệp hóa thành công, phát triển bền vững.
Theo baodautu.vn