Cuộc sống mới ở bản Rào Tre

Sau hơn 16 năm định canh, định cư tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), mặc dù đời sống của bà con dân tộc Chứt còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng hành, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, cuộc sống của người dân dưới ngọn Ka Ðay hùng vĩ đã có nhiều đổi thay…
Một trong số những ngôi nhà mới của đồng bào dân tộc Chứt được xây dựng từ nguồn kinh phí của MTTQ và Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh.

Bản Rào Tre có tổng diện tích đất tự nhiên gần 40 ha, trong đó có khoảng 2,5 ha đất trồng lúa và 0,5 ha đất trồng màu, 37 ha đất sản xuất lâm nghiệp. Toàn bản có 41 hộ đồng bào dân tộc Chứt, với hơn 146 nhân khẩu đang sinh sống. Tập quán của đồng bào Chứt là chuyên sống du canh, du cư tại các địa bàn rẻo cao huyện Hương Khê. Từ năm 2001, được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện và đưa về định cư tại bản Rào Tre, đến nay, cuộc sống của đồng bào Chứt đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế. Một số phong tục, tập quán lạc hậu và cuộc sống tự nhiên vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức và tư tưởng, cho nên, những suy nghĩ về hôn nhân cận huyết thống đang khiến đồng bào Chứt ở Hà Tĩnh đối mặt với nguy cơ suy thoái nòi giống.

Người Chứt ở Rào Tre có tục, trai gái thấy ưng nhau, người con trai chỉ cần lên rừng đẵn bó củi khô, ban đêm mang đến để trước cổng nhà cô gái. Chỉ cần gia đình cô gái lấy bó củi vào đun, chàng trai có thể tự do đi lại, ăn ở với cô gái đó. Hiểu và chia sẻ với những khó khăn, hệ lụy mà đồng bào Chứt đang đối mặt, những người lính biên phòng lặng lẽ đồng hành, tìm lối ra cho tình trạng hôn nhân cận huyết thống của đồng bào Chứt. Thượng tá Nguyễn Văn Sâm, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Bản Giàng, huyện Hương Khê cho biết: Giải thích cho bà con hiểu được hôn nhân cận huyết thống là một hủ tục là việc vô cùng khó khăn. Tổ cắm bản "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) của Ðồn Biên phòng Bản Giàng ở Rào Tre cùng lúc làm nhiều vai trò, vừa tuyên truyền cho bà con hiểu vừa se duyên, mai mối nhà trai, vừa đại diện họ nhà gái, chuẩn bị cho đám cưới từ lễ lạt, xe cộ, rồi kiêm luôn việc xin dâu và phát biểu trước hội trường… Nhờ đó, cộng đồng người Chứt ở đây đã tổ chức năm đám cưới theo nếp sống mới, trong đó có ba đám cưới giữa các cặp đôi dân tộc Chứt với dân tộc Kinh và hai đám cưới của hai cặp đôi dân tộc Chứt và dân tộc Rục ở Quảng Bình. Ðó là kết quả ban đầu, mở lối cho những nỗ lực xóa hôn nhân cận huyết thống của người Chứt ở bản Rào Tre. Bên cạnh kết quả đáng mừng ấy vẫn còn nhiều nỗi lo. Ðến nay, với 41 hộ, 146 nhân khẩu, trong độ tuổi kết hôn của người Chứt thì cứ 14 nam thì chỉ có một nữ, sự chênh lệch giới tính đang ở mức báo động. Trong khi đó, nỗ lực kiếm vợ người Kinh cũng không dễ dàng. Vì vậy, theo như cách nói của Trưởng bản Hồ Thị Kiên: "Dù cái bụng có ưng thì cái miệng cũng khó mở lời".

Giữa trập trùng núi rừng Ka Ðay ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê, xen giữa những ngôi nhà sàn bằng gỗ, sáu ngôi nhà mới xây khang trang như một điểm nhấn, tô điểm thêm vẻ đẹp cho ngôi làng. Trung tá Nguyễn Quốc Phú, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Trạm Biên phòng cắm bản Rào Tre (Ðồn Biên phòng Bản Giàng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Mỗi ngôi nhà có tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. Trong đó, MTTQ tỉnh trích nguồn Quỹ cứu trợ tỉnh hỗ trợ xây dựng 50 triệu đồng/nhà, số còn lại do Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh huy động sự đóng góp cả về vật chất lẫn ngày công của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng.

Trong ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp, bà Hồ Nam chia sẻ: Ước mơ được ở trong ngôi nhà xây kiên cố đối với gia đình chúng tôi là quá xa vời, nhưng nhờ ơn Ðảng, nhờ ơn bộ đội mà nay chúng tôi đã có được căn nhà kiên cố, giúp gia đình yên tâm mỗi khi mùa mưa, bão về. Ngôi nhà được thiết kế tránh lũ, cao hơn mặt đất gần 2m. Với thiết kế này, bà con không phải lo kê cao đồ đạc, thóc lúa mỗi khi trời mưa, bão. Tầng trên của ngôi nhà được lát sàn gỗ với một gian để ngủ, một gian rộng rãi làm nơi sinh hoạt chung cho cả gia đình. Không giấu nổi vẻ ngạc nhiên, chị Hồ Thị Xanh cho biết: Ðây là lần đầu người trong bản có nhà xây kiên cố để ở. Các gia đình được hỗ trợ xây nhà đều thuộc diện hộ nghèo, nhà cửa bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng cho nên khi các hộ này được chọn thì không ai trong bản có ý kiến gì cả. Ngoài sáu ngôi nhà mới này, thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ hỗ trợ đồng bào Chứt xây dựng thêm 11 căn nhà mới tại khu tái định cư nhằm thực hiện mục tiêu hỗ trợ làm nhà ở và di dãn dân. Hiện nay, con đường dẫn vào khu tái định cư dài 2,5 km đã hoàn thành, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại và thông thương hàng hóa.

Theo Ðại tá Trần Ngọc Thanh, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, nhằm hỗ trợ bà con dân tộc Chứt làm quen với cuộc sống định canh, định cư, sản xuất lương thực, xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết thống, lực lượng Biên phòng Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp cấp ủy chính quyền, các tổ chức đoàn thể khảo sát tình hình, nắm bắt nguyện vọng của bà con để xây dựng các mô hình sản xuất mới, tổ chức các hoạt động giao lưu kết nghĩa, phục dựng, duy trì các lễ hội, văn hóa truyền thống. Ðồng thời thường xuyên chăm lo sức khỏe, đồng hành cùng trẻ em trong độ tuổi đến trường… Nhờ đó, cuộc sống của bà con nơi đây đã có nhiều đổi thay, người dân tự tin hòa nhập cuộc sống mới. Dẫu vậy, những khó khăn người Chứt đang đối mặt cần sự chung sức, đồng lòng của cả cộng đồng xã hội với những việc làm cụ thể như: di dãn dân cư, tăng diện tích sản xuất; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác, chăn nuôi…; chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống bệnh tật, giáo dục - đào tạo; đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp về nhà ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm hỗ trợ bà con dân bản phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống bền vững.

 

BÀI VÀ ẢNH: NGÔ TUẤN
http://www.nhandan.com.vn