Đảm bảo tiến độ cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp, thủy sản
- Chủ nhật - 31/07/2016 22:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cục Thống kê Hà Tĩnh kiểm tra, soát xét lại phiếu thu thập thông tin trước khi nhập dữ liệu
Vừa điều tra, vừa làm dân vận
Trong những ngày nắng nóng, chúng tôi cùng đoàn giám sát của Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê tỉnh kiểm tra cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp, thủy sản tại các địa phương. Tiếp xúc với các điều tra viên, điều dễ nhận thấy ở họ là tinh thần trách nhiệm, bất kể buổi trưa hay sớm tối, đều hăng hái đến gõ cửa từng hộ dân để thực hiện nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Thế - điều tra viên tại xã Sơn Lễ (Hương Sơn) cho biết: “Vì công việc bộn bề nên nhiều chủ hộ không có mặt thường xuyên ở nhà. Chúng tôi nắm rất rõ địa bàn nên linh hoạt bố trí phỏng vấn từng đối tượng trong gia đình tùy từng thời điểm trong ngày để đảm bảo tiến độ. Hơi vất vả nhưng biết được sinh hoạt của người dân và chủ động sắp xếp thì công việc vẫn trôi chảy, đảm bảo kế hoạch đặt ra”.
Với điều tra viên, yếu tố quan trọng là biết giải thích, phân tích và đặt câu hỏi dễ hiểu, sẽ có được số liệu chính xác. Là trưởng thôn, anh Thế nắm rõ thông tin của các hộ nên việc điều tra được thực hiện dễ dàng. Tuy nhiên, với hộ nông thôn miền núi, diện tích làm chuồng trại chăn nuôi ít đo đếm nên khi tiến hành điều tra, anh Thế phải cùng chủ hộ kiểm tra đo đếm lại rồi mới ghi phiếu để tránh sai lệch.
Ngoài lựa chọn điều tra viên là cán bộ địa phương, nét nổi bật trong cuộc tổng điều tra mà Hà Tĩnh triển khai đó là lựa chọn đội ngũ điều tra viên trẻ tuổi, nhanh nhẹn, linh hoạt. Ở những vùng đặc thù, khó tiếp cận như vùng giáo, điều tra viên lại phải chọn những người cao tuổi, có uy tín để dễ dàng thuyết phục, thu thập thông tin. Phó cục trưởng Cục Thống kê Hà Tĩnh Trần Thanh Bình chia sẻ: Do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển vừa qua nên việc điều tra ở một số xã như: Kỳ Hà, Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) gặp nhiều khó khăn. Đích thân Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Vũ Thanh Liêm đã vào làm công tác dân vận. Sau buổi “vi hành” của Phó Tổng cục trưởng Vũ Thanh Liêm thì các điều tra viên cũng tiếp cận và hoàn thành công tác điều tra đảm bảo tiến độ.
“Cuộc tổng điều tra có thành công hay không là nằm ở đội ngũ điều tra viên. Muốn thu thập thông tin nhanh, chính xác thì không chỉ cần nghiệp vụ mà còn phải có kỹ năng của dân vận” - Phó cục trưởng Cục Thống kê Hà Tĩnh Trần Thanh Bình nhấn mạnh.
Đoàn giám sát của Ban chỉ đạo Trung ương kiểm tra tại xã Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh)
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Để thực hiện cuộc tổng điều tra, ngoài thành viên ban chỉ đạo các cấp, toàn tỉnh đã huy động 239 người làm giám sát viên cấp tỉnh và cấp huyện, 419 người làm tổ trưởng tổ điều tra và 2.388 người làm điều tra viên. Toàn tỉnh cũng tổ chức 60 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 3.619 người là giám sát viên cấp huyện, thành viên ban chỉ đạo, tổ trưởng tổ điều tra và điều tra viên ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Nhằm tăng cường chỉ đạo cuộc tổng điều tra, ngày 6/6/2016, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo sát sao. Từ việc thành lập ban chỉ đạo đến tổ chức lễ ra quân và cấp phát tài liệu. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền triển khai treo băng rôn, áp phích, nhờ đó, đã nâng cao nhận thức của người dân và sẵn sàng cung cấp thông tin của gia đình cho các điều tra viên.
Chị Ngô Thị Thập - Trưởng phòng Thống kê nông nghiệp, Cục Thống kê Hà Tĩnh cho biết: “Rút kinh nghiệm qua những ngày đầu thực hiện, Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị ban chỉ đạo huyện và xã tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn quản lý; phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai sót đối với các điều tra viên để tránh phải làm lại vừa tốn phiếu, vừa mất công. Các tổ trưởng thường xuyên kiểm tra các điều tra viên để chỉnh sửa lỗi kịp thời, đồng thời tổng hợp báo cáo theo quy định”.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tính đến ngày 25/7, toàn tỉnh đã tiến hành điều tra 313.804/318.789 phiếu thu thập thông tin về tình hình cơ bản của hộ (đạt tỷ lệ 98,44%), 233/262 phiếu thu thập thông tin về trang trại (đạt 88,93%), 209/230 phiếu thu thập thông tin về tình hình cơ bản và kết cấu hạ tầng của xã (đạt tỷ lệ 90,87%), 1.320/1.503 phiếu thu thập thông tin về kinh tế hộ nông thôn (đạt 87,82%).
Kết quả từ các phiếu thu thập thông tin sẽ là cơ sở để đánh giá về thực trạng và sự chuyển dịch KT-XH, điều kiện sống của cư dân nông thôn, lao động nông thôn. Sản phẩm của tổng điều tra là cơ sở dữ liệu khoa học để tỉnh tiếp tục hoạch định, có cơ chế ưu đãi, tạo đòn bẩy phát triển khu vực nông thôn cũng như lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.
Theo: baohatinh.vn