Dấu ấn Vilaco trên bản Bừng-hủa-na
- Thứ ba - 29/08/2017 22:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trên quãng đường 40 km từ Thà Khẹc - thủ phủ của Khăm Muộn về đại bản doanh Vilaco ở bản Bừng-hủa-na, huyện Xê-băng-phay, chúng tôi được Giám đốc Vilaco Lê Viết Thảo chia sẻ về quá trình hoạt động SXKD của công ty.
Toàn cảnh mỏ khai thác thạch cao của Vilaco tại tỉnh Khăm Muộn
Năm 2004, Vilaco được Chính phủ Lào cấp giấy phép đầu tư khai thác và chế biến sâu mỏ thạch cao, công suất 300.000 tấn/năm. Thực hiện đúng cam kết với Chính phủ Lào, vào thời điểm kinh tế Việt Nam và thế giới gặp khó khăn, nhưng Vilaco vẫn quyết tâm đầu tư dây chuyền sản xuất bột thạch cao cao cấp trị giá 2 triệu USD. Trải qua những khó khăn ban đầu nơi vùng đất mới cách xa vùng dân cư, sản phẩm bột, tấm trần thạch cao của Vilaco đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Hoạt động đầu tư sản xuất trên đất bạn Lào không ngừng được mở rộng. Năm 2007, Vilaco đầu tư xây dựng nhà máy bột thạch cao, công suất 30.000 tấn/năm; năm 2011 đầu tư xây dựng nhà máy tấm trần công suất 500.000 m2/năm; năm 2013 đầu tư mở rộng nhà máy chế biến bột anpha cao cấp công suất 20.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư các nhà máy đến nay gần 5 triệu USD.
“Sản phẩm của Vilaco chủ yếu bán tại Lào và xuất khẩu về Việt Nam, sang Thái Lan. Ngoài sản phẩm thạch cao truyền thống cung cấp cho các nhà máy xi măng ở Việt Nam, sản phẩm bột thạch cao cao cấp đã được nhiều nhà máy gốm sứ của Việt Nam đặt mua với số lượng lớn. Riêng tấm trần thạch cao được khách hàng chấp nhận, tiêu thụ mạnh ở nhiều thị trường” - Giám đốc Vilaco Lê Viết Thảo cho biết.
Nhờ thành công trong đầu tư chế biến sâu nên doanh thu của Vilaco tăng nhanh. Năm 2016, Vilaco đạt doanh thu 150 tỷ đồng (tăng 1,5 lần so với 2010) nộp ngân sách cho Nhà nước Lào gần 20 tỷ đồng. Thời gian tới, Vilaco dự kiến đầu tư thêm 1 nhà máy tấm trần công nghiệp theo công nghệ Thái Lan công suất 10 triệu m2/năm, tổng mức đầu tư 4 triệu USD; mở thêm 1 mỏ mới, công suất thiết kế 500.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 2,8 triệu USD.
“Hai tỉnh Khăm Muộn và Hà Tĩnh đã, đang tiếp tục phối hợp triển khai các dự án đầu tư vào Khăm Muộn như đất đai, khoáng sản, nông nghiệp, du lịch... Trước mắt, tỉnh ưu tiên tạo điều kiện cho Vilaco đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi...” - Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn Ô Đay Xụ Đa Phon cho biết.
Qua chặng đường dân cư thưa thớt hai bên quốc lộ 13 từ Thà Khẹc về Xê-băng-phay, đến bản Bừng-hủa-na, khung cảnh nhộn nhịp hẳn lên bởi hoạt động của nhà máy chế biến thạch cao và vùng mỏ thạch cao Vilaco. Tại khu vực sản xuất tấm trần thạch cao, khá đông công nhân Lào đang miệt mài sản xuất.
Công nhân người Lào sản xuất tấm trần thạch cao tại nhà máy của Vilaco.
Cô công nhân trẻ Thítsamay Inthavông ở bản Bừng-hủa-na khoe: Em mới được nhận vào làm việc tại nhà máy hơn 3 tháng mà thu nhập đã được gần 2 triệu kíp/tháng (khoảng 5,5 triệu đồng Việt Nam).
Giám đốc Lê Viết Thảo cho biết, Vilaco tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động (70% là người Lào) với mức lương bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng. Công nhân Lào làm việc với ý thức trách nhiệm cao, tuân thủ nguyên tắc kỹ thuật và kỷ luật lao động, lại nhiệt tình, chăm chỉ. Hiện, nhà máy đang mở rộng dây chuyền sản xuất tấm trần thạch cao nên công ty đang tiếp tục đào tạo nghề cho cả trăm công nhân Lào.
Song song với nhiệm vụ SXKD, Vilaco chú trọng thực hiện tốt công tác xã hội, góp sức đảm bảo an sinh xã hội trên đất nước bạn. Nhiều năm qua, công ty đã tài trợ nhiều công trình có giá trị trên địa bàn tỉnh Khăm Muộn như:
Công trình cấp nước sạch cho bản Bừng-hủa-na trị giá 40.000 USD, nhà mẫu giáo huyện Xê-băng-phay trị giá 50.000 USD, 10 suất học bổng trị giá 15.000 USD… Hàng năm, Vilaco còn tổ chức các đợt khám sức khỏe, tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ, tham quan du lịch cho người dân trong vùng.
Được ví như bông hoa tươi thắm ở bản Bừng-hủa-na, Vilaco cùng với những doanh nghiệp Hà Tĩnh làm ăn trên đất bạn đang nỗ lực góp phần vun đắp tình anh em đoàn kết, thủy chung Việt - Lào ngày càng bền chặt.