Dấu ấn nhiệm kỳ 2010 - 2015 (bài 26): Khi “đại gia” đầu tư hàng ngàn tỷ để chăn nuôi bò

Dấu ấn nhiệm kỳ 2010 - 2015 (bài 26): Khi “đại gia” đầu tư hàng ngàn tỷ để chăn nuôi bò
Giữa lúc đang “khát” doanh nghiệp (DN) “đầu kéo” nhằm tiến tới tái cơ cấu nền nông nghiệp Hà Tĩnh thì 2 “đại gia” Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh quyết định tham gia vào nông nghiệp. Họ - một là nhà bất động sản nổi danh cả nước và một là DN có tiếng trong ngành khoáng sản quyết định đầu tư chăn nuôi bò thịt chất lượng cao...
 
Hà Tĩnh có 5.669 ha có thể thực hiện dự án bò thịt chất lượng cao

Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự thăm trang trại chăn nuôi bò của "bầu" Đức tại Gia Lai. Ảnh: Trần Hiếu/Thanh Niên

Mitraco và kế hoạch cải tạo đàn bò địa phương…

Không phải đến bây giờ người ta mới biết chuyện Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh làm nông nghiệp. Cuộc “lấn sân” được bắt đầu từ hơn chục năm trước, khi DN này “khăn gói” sang tận Thái Lan học cách chăn nuôi lợn. Rồi thương hiệu lợn siêu nạc Mitraco đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, trở thành đơn vị chăn nuôi lớn nhất Hà Tĩnh và có tầm cỡ khu vực. Ngay sau đó, dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên đất cát hoang hóa ven biển đã chứng minh việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao là quyết định hoàn toàn nghiêm túc của một DN lớn.

Một lần, chúng tôi có dịp trò chuyện với Tổng Giám đốc Dương Tất Thắng, từ đầu đến cuối, ông chỉ say sưa với chuyện làm nông nghiệp công nghệ cao. Ông bảo: “Nông nghiệp là “mảnh đất” bền vững cho DN. Giữa lúc nông nghiệp đang cần DN “đầu kéo” thì DN lớn phải tiên phong. Đó cũng là cơ hội của DN, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng thương hiệu đủ mạnh để điều tiết thị trường”. Mục tiêu đầu tư chăn nuôi bò thịt chất lượng cao đang được Mitraco thực hiện từ mối liên kết hợp tác giữa “4 nhà”. Dự án nhằm tạo ra giống bò có chất lượng thịt cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ông Thắng tiếp lời: “Hiện chúng tôi đã nhập 1.000 con bò nái nền từ Úc và tiến hành phối tinh đạt 80%. Dự kiến, hết năm nay, dự án sẽ đạt 4.000 con; đến hết năm 2016 đạt 8.000 con và năm 2020 sẽ có 20.000 con. Sau 3-5 năm, nguồn bò giống từ các trại bò nái sinh sản của Tổng Công ty chính là nguồn cung cấp bò nái chất lượng cao cho bà con nông dân nhằm cải tạo đàn bò địa phương”.

Trại bò Tân Đáo (phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh) hôm chúng tôi đến đã đón chào những “thành viên mới”. Từ 500 con (tháng 10/2014), đàn bò đã có thêm 22 bê con ra đời. Ngoài đội ngũ công nhân thì ở đây thường xuyên có 6 kỹ sư đảm nhiệm công việc chăm sóc tổng thể cho đàn bò.

Khi “đại gia” đầu tư hàng ngàn tỷ để chăn nuôi bò

Trại Tân Đáo, phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh) đã đi vào hoạt động ổn định với quy mô 500 con bò giống Úc.

Ông Nguyễn Thanh Biên - phụ trách dự án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao cho biết: “Tổng Công ty đã tiến hành nhập 8.000 liều tinh bò thịt chất lượng cao từ các nước có nền chăn nuôi phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Séc... để phối giống cho bò nái. Trước mắt là phối tại các trại sinh sản, về sau, khi đàn bò đủ mạnh sẽ mở rộng vệ tinh ở hộ dân. Hiện nay, đàn bê đã được 3 tháng với trọng lượng sơ sinh lớn, khả năng tăng trọng cao”. Cùng với đó, Mitraco cũng chủ động quy hoạch vùng trồng thức ăn tại 2 điểm nuôi Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh) và Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) với diện tích 140 ha, đáp ứng bước đầu nhu cầu dự án.

“Đại bàng” Tây Nguyên và dự án gần trăm triệu đô

Đó là cách người ta ví Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, một trong những “đại gia” trong ngành bất động sản với khối tài sản khổng lồ. Cùng với Công ty CP An Phú (Bình Định), ông Đoàn Nguyên Đức quyết định “rót” tiền thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại Hà Tĩnh với mức đầu tư dự kiến lên đến 80-100 triệu USD. Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Liên doanh Hoàng Anh Gia Lai - An Phú) chịu trách nhiệm điều hành.

Theo kế hoạch, dự án chia làm 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 và 2 sẽ thực hiện trong năm 2015 với quy mô 60.000 con. Dự kiến, đến tháng 6/2016, dự án có tổng quy mô 100.000 con, chủ yếu được nhập từ Úc, New Zealand, Mỹ, Canada. Khi hoàn thành, Hà Tĩnh sẽ trở thành trạm trung chuyển giống bò lớn chuyên cung cấp cho các tỉnh phía Bắc, Nam Lào.

Ông Đinh Văn Dũng - Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Hà Tĩnh là điểm thứ 4, sau Gia Lai, Lào và Campuchia thực hiện dự án chăn nuôi bò chất lượng, năng suất cao. Trước mắt, Tổng Công ty triển khai tại 648 ha thuộc xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) và Kỳ Hợp, Kỳ Tây (Kỳ Anh). Sau khi địa phương giao mặt bằng sẽ tiến hành xây dựng chuồng trại, trồng cỏ và thả bò”.

Trong buổi làm việc mới nhất giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức quyết định phối hợp với một số địa phương chuyển đổi một số diện tích kém hiệu quả sang trồng cỏ (mỗi ha cỏ thu về 150 triệu đồng/năm) nhằm tăng thu nhập và tạo việc làm cho nông dân.

Ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, Tổ trưởng Tổ Liên ngành cho biết: “Hà Tĩnh là địa phương có lợi thế: bò là sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, được ưu tiên phát triển; có diện tích đồi núi lớn, đất trồng cỏ rộng và có hệ thống cảng biển tạo điều kiện để vận chuyển. Việc thu hút dự án phát triển chăn nuôi bò thịt tại Hà Tĩnh sẽ góp phần phát triển KT-XH và nâng cao đời sống của người dân địa phương. Quan trọng hơn, đây chính là cơ hội để ngành chăn nuôi tỉnh nhà thay đổi một cách căn bản, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp”. Ngược lại, nguồn lãi từ nông nghiệp (mía, cao su, cọ dầu, ngô và bò thịt) chảy về cho Hoàng Anh Gia Lai không hề nhỏ. Và người đứng đầu Tập đoàn này phải thừa nhận đó chính là “mỏ vàng” chưa được khai thác hết.

Nông nghiệp Hà Tĩnh giống như “nàng công chúa ngủ đông” nay đang “thức giấc” bởi sự đầu tư khá lớn của các đại gia vào lĩnh vực này. Trong số đó, bò thịt được tỉnh xác định là một trong những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực. Việc thu hút ngày càng nhiều DN đầu tư sẽ là luồng gió mới thúc đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu đàn bò địa phương theo hướng chất lượng, đa dạng…

Nguyễn Oanh
Theo baohatinh.vn