Đầu tư, phát triển “tam nông” là chiến lược nhất quán, xuyên suốt
- Thứ hai - 05/12/2016 05:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dự buổi tiếp xúc có Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở ngành, địa phương.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã nghe Phó trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Văn Sơn báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV với một số nội dung quan trọng như: xem xét, đánh giá kết quả triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2016, kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011-2015; quyết định và thông qua các nghị quyết về KT-XH, xây dựng NTM; xem xét, thông qua 3 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến về 14 dự án luật khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo chuyên đề lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới
Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo với Phó Thủ tướng và cử tri chuyên đề lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Hà Tĩnh triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp từ năm 2011 và đạt được nhiều kết quả khá toàn diện: nông nghiệp tăng trưởng nhanh (đạt 6,6%/năm); cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực, theo hướng phát huy lợi thế các lĩnh vực, sản phẩm; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả bước đầu quan trọng; tái cơ cấu đã tạo chuyển biến rõ nét cho phát triển trên một số lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Chương trình MTQG xây dựng NTM đạt được kết quả toàn diện, rõ nét. Từ điểm xuất phát thấp, qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay bình quân đã đạt 14,5 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 8 tiêu chí, có 52 xã đạt chuẩn; năm 2016 dự kiến có thêm 20 xã đạt chuẩn NTM. Hà Tĩnh đã có những cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM, đưa lại hiệu quả thiết thực, được Trung ương ghi nhận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cũng cho biết, qua thực tiễn thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cho thấy, điểm nghẽn then chốt nhất chính là vấn đề đất đai. Với quy mô manh mún, nhỏ lẻ, rất khó để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Vì vậy, đề nghị Quốc hội sửa đổi Điều 129, 130 của Luật Đất đai theo hướng tăng hạn điền hoặc không quy định hạn điền. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện và có chính sách hỗ trợ cho việc thực hiện thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp theo Luật Đất đai. Tình trạng vi phạm về sử dụng chất cấm đang diễn biến phức tạp, đề nghị Quốc hội sớm hoàn thiện điều chỉnh, ban hành luật hình sự để tổ chức thực hiện, có chế tài xử lý hình sự đối với vi phạm này.
Chánh Văn phòng NTM tỉnh Trần Huy Oánh: Để chương trình NTM đạt hiệu quả hơn, đề nghị bổ sung chỉ tiêu “Tổng tiêu chí tăng lên và mức độ tăng lên trong tất cả các tiêu chí” trong nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn ngân sách Trung ương xây dựng NTM.
Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn: Là huyện miền núi, đất rộng, người thưa nên việc huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng NTM khó khăn. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội có cơ chế chính sách đặc thù để giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Cử tri bày tỏ vui mừng và tin tưởng trước kết quả của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, nhất là việc chất vấn và trả lời chất vấn các “tư lệnh” ngành đã cơ bản chuyển được từ tham luận sang tranh luận. Quốc hội đã thể hiện tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước trong công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Trần Hoài Đức: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể đối với thực hiện một số tiêu chí và có chính sách hỗ trợ đối với công trình hạ tầng vùng thấp lũ.
Giám đốc Công ty TNHH TMDV Chí Công: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành liên tiếp tục duy trì các chính sách có hiệu quả và các chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp và người chăn nuôi.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định: Năm 2016, Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết, thống nhất tạo sức mạnh để vượt qua.
Hà Tĩnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hạn chế, phân tích kỹ nguyên nhân khách quan, chủ quan trong trong thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản không hoàn thành (tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo).
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đề xuất Chính phủ cho chủ trương để địa phương rà soát lại kế hoạch KT-XH 5 năm 2016-2020; cho tư vấn có kinh nghiệm, đặc biệt là tư vấn nước ngoài các điều kiện để rà soát quy hoạch; đầu tư xây dựng đường ven biển; thực hiện Nghị quyết 05 cần có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; sửa đổi một số tiêu chí NTM phù hợp điều kiện thực tiễn.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm vì sự phát triển chung của toàn xã hội; tiếp thu, giải đáp những băn khoăn, đề xuất, kiến nghị của cư tri. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận sáng kiến của Hà Tĩnh trong việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, đầu tư, phát triển “tam nông” là vấn đề chiến lược nhất quán, quan điểm xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước suốt hàng chục năm qua. Mỗi một nhiệm kỳ có những phát triển mới, phù hợp thực tiễn. Nội hàm của nhiệm kỳ này là xây dựng NTM gắn với đô thị hóa. Làm NTM đối với xã tiến tới thành phường thì khác với xã vùng biên giới hải đảo.
“Một số người có quan điểm, xong 19 tiêu chí là xong NTM. Điều này là không phải. Xây dựng NTM là quá trình liên tục, không ngừng nghỉ. Xong NTM phải xây dựng NTM kiểu mẫu.” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để đạt điều này phải có sự quyết tâm đồng thuận của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu giảm nghèo bền vững, phương châm không để một người dân nào bị nghèo đói. Ngoài các tiêu chí cứng, phải có đánh giá sự hài lòng của người dân và đặc biệt, không để nợ đọng xây dựng cơ bản.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hà Tĩnh sớm kiện toàn Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, tổng kết đánh giá hàng năm, hướng dẫn bộ tiêu chí NTM mới. Việc triển khai, đánh giá thực hiện một số tiêu chí (chợ, nhà văn hóa thôn, kênh mương nội đồng…) cần căn cứ theo thực tiễn, điều kiện vùng miền địa phương. Đặc biệt chú trọng đến tiêu chí thu nhập, môi trường văn hóa, môi trường sống ở khu dân cư, hệ thống chính trị vững mạnh…
Lãnh đạo Agribank Hà Tĩnh trao 20 tỷ cho 4 xã xây dựng công trình hạ tầng NTM
Lãnh đạo Vietcombank Hà Tĩnh trao 6 tỷ đồng cho phường Trần Phú xây dựng công trình thiết yếu
Nhân buổi tiếp xúc cử tri, lãnh đạo Agirbank Hà Tĩnh và Vietcombank Hà Tĩnh đã trao tổng số tiền 26 tỷ đồng hỗ trợ 5 xã trên địa bàn tỉnh xây dựng các công trình thiết yếu.
Theo Thanh Hoài/baohatinh.vn