Đầu tư tín dụng 3 tháng đầu năm Chặng đường khó của nền kinh tế
- Thứ ba - 10/04/2012 19:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Doanh nghiệp lao đao, Ngân hàng thận trọng
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Huy Tiến cho biết, ngay từ đầu năm, các TCTD đã triển khai các giải pháp đầu tư tín dụng như tổ chức hội nghị khách hàng để thắt chặt mối quan hệ hợp tác, tìm kiếm khách hàng và các dự án SXKD hiệu quả để cho vay. Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng No&PTNT phối hợp với Liên minh HTX tổ chức đối thoại với 111 HTX tháo gỡ khó khăn trong vay vốn. Tuy nhiên, tình hình đầu tư tín dụng 3 tháng vẫn hết sức khó khăn. Cả quý 1, tăng trưởng dư nợ trên địa bàn đạt 2,2%, chỉ bằng ½ so với quý 1 năm 2011 - một năm được coi là thấp nhất so với nhiều năm trước đó.
Nguồn vốn huy động 3 tháng đầu năm tăng trưởng ổn định, trong khi đầu tư tín dụng hết sức khó khăn |
Theo nhận định của các cơ quan, chuyên gia kinh tế, nguyên nhân cơ bản khiến tín dụng tăng trưởng chậm là do kinh tế khó khăn, tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp xấu đi nghiêm trọng không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn. Hiện tượng đình đốn sản xuất đã khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm. Thêm vào đó, lãi suất ngân hàng hơn 1 năm nay bị đẩy lên cao khiến DN càng khó tiếp cận vốn.
Theo ông Phan Cao Thanh - Giám đốc Sở KH & ĐT, thực trạng suy giảm, lạm phát kinh tế, cộng với Chính phủ thắt chặt đầu tư công đã khiến khó khăn chồng khó khăn dồn lên DN. Đến cuối quý 1, toàn tỉnh có 548 DN tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể (chiếm 14% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn).
Thực tế là, do hiệu quả SXKD của khách hàng giảm sút nên tình trạng nợ xấu, nợ dưới chuẩn của các NHTM có xu hướng tăng mạnh. Trong quý 1, nợ xấu tăng gần 40 tỷ và nợ dưới chuẩn tăng hơn 135 tỷ. Hiện tại, đang có nhiều DN có nợ xấu lớn nhưng khả năng thu hồi, xử lý khó khăn nên đã ảnh hưởng đến nguồn vốn cho vay và kết quả tài chính của các NHTM. Các ngân hàng phải tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng và hiệu quả của khoản cho vay mới để vừa đảm bảo an toàn vốn, vừa thực hiện được các chỉ tiêu về quy mô và chất lượng do ngân hàng cấp trên giao.
“Trong bối cảnh khó khăn chung, việc ngân hàng thận trọng hơn trong chủ trương cấp tín dụng và đưa ra những điều kiện thắt chặt tín dụng là điều dễ hiểu. Kể cả các DN cũng phải cân nhắc rất kỹ khi quyết định vay vốn để thực hiện dự án SXKD trong thời điểm suy thoái kinh tế. Nếu khách hàng nào tìm ngân hàng để vay vốn bằng mọi giá, có nghĩa là khách hàng đó có vấn đề, càng cần phải xem xét cẩn trọng”- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Tĩnh Kiều Đình Hòa khẳng định.
Còn theo Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh thì: “Đối với hoạt động ngân hàng, huy động vốn phải gắn liền với đầu tư tín dụng. Nếu có đầu vào mà không tìm được đầu ra thì ngân hàng không tồn tại được. Bởi vậy, chúng tôi luôn cố gắng tìm kiếm khách hàng và dự án tốt để đảm bảo tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, ngân hàng không thể cho DN vay để giải quyết những khó khăn do không thu được nợ hoặc lý do khác. Vì như thế là ngân hàng sẽ phải gánh chịu hậu quả mà không ai có thể chia sẻ được.”
Tín hiệu mừng
Trung tuần tháng 3, các TCTD đồng loạt áp dụng mức trần huy động vốn thấp hơn 1%, đưa lãi suất huy động cao nhất xuống 13%/năm. Lộ trình giảm lãi suất được khởi động bước đầu đã mang đến những tín hiệu mừng về một mặt bằng giá vốn mới, có lợi cho cả khách hàng và doanh nghiệp. Xem đây là cơ hội để đẩy mạnh đầu tư tín dụng, các NHTM lớn đã và đang từng bước giảm lãi suất cho vay, đưa đến những khởi sắc mới trong kết quả tăng trưởng tín dụng. Nếu như tháng 1, dư nợ giảm (-0,76%), tháng 2 bắt đầu nhích lên 0,46%, thì đến tháng 3 đã tăng thêm 2,5%. Riêng Ngân hàng NN&PTNT - đơn vị hiện đang có thị phần tín dụng lớn nhất trên địa bàn, chỉ sau hơn 3 tuần hạ lãi suất, kết quả đầu tư tín dụng đã tăng rõ rệt. Giám đốc Nguyễn Thị Diên cho biết, đến cuối tháng 3, dư nợ đã tăng 132 tỷ đồng so với thời điểm áp dụng trần lãi suất mới (ngày 13-3).
Công ty Cao su Hà Tĩnh đã được tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất |
Tuy nhiên, thực tế, lãi suất dù có giảm nhưng vẫn còn cao (mức phổ biến đang là 18%/năm); những đối tượng được tiếp cận nguồn vốn rẻ (khoảng 14,5-16%/năm) còn rất hạn chế. Bởi vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kêu gọi các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Trước hết là 4 NHTM lớn (Nông nghiệp, Đầu tư & Phát triển, Ngoại thương, Công thương) phải tiên phong giảm 5-10% chi phí để đưa lãi suất cho vay xuống một mức mới. Đây cũng là việc ngân hàng đang ý thức được và phải cố gắng thực hiện để có thể cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tín hiệu vui về tăng trưởng đầu tư tín dụng càng rõ nét hơn khi kết quả kiểm soát lạm phát đang ngày càng vững chắc. Chỉ số giá tiêu dùng(CPI) bình quân quý 1/2012 thấp xa so với tốc độ tăng bình quân quý 1 năm trước (tăng 4,41%) và CPI tháng 3/2012 là tháng thứ 7 liên tiếp tăng chậm lại. Nếu CPI tiếp tục được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện được lộ trình giảm lãi suất mỗi quý xuống 1 % như mục tiêu đặt ra. Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm, khi lạm phát xuống dưới 10% thì lãi suất huy động cũng sẽ về mức 10%.
Cùng đó, Hà Tĩnh tiếp tục sửa đổi chính sách hỗ trợ lãi suất theo hướng mở rộng đối tượng và mức hỗ trợ, đồng thời tăng cường chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều yếu tố thuận lợi đang mở ra triển vọng về một bước tăng trưởng đầu tư tín dụng khả quan hơn và nền kinh tế tỉnh nhà vượt qua khó khăn để giành thành quả mới.
Mai Thủy
Báo Hà Tĩnh