Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện tiếp công dân
- Thứ năm - 09/11/2017 21:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thực hiện Luật tiếp công dân, UBND tỉnh đã ban hành văn bản, tổ chức triển khai, quán triệt Luật đến tận cán bộ công chức, viên chức và người dân. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã duy trì các buổi tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và một số buổi tiếp dân đột xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho công dân.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Luật tiếp công dân, các cấp, các ngành ở Hà Tĩnh đã tiếp hơn 27.200 lượt công dân với trên 50.400 người. Qua công tác tiếp dân, các tố cáo, khiếu nại, kiến nghị của công dân, phản ánh được xem xét giải quyết, xử lý kịp thời; có văn bản trả lời, hướng dẫn cho công dân hoặc chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tại hội nghị, đại biểu các điểm cầu đã báo cáo kết quả đạt được nêu lên những khó khăn trong quá trình triển khai Luật tiếp công dân. Theo các đại biểu, để Luật tiếp công dân tiếp tục đi vào cuộc sống, cần chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, trang bị thêm kiến thức kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức. Các sở, ngành địa phương cần phối hợp nhịp nhàng hơn trong quá trình xử lý đơn thư. Các địa phương cần tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước đến tận người dân...
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Sau 3 năm triển khai thực hiện Luật tiếp công dân, tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng một số địa phương còn có biểu hiện coi nhẹ công tác này, ý thức trách nhiệm chưa cao. Bộ phận tiếp dân ở một số địa phương chưa phát huy hết năng lực. Nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế...
Tiếp công dân là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm lắng nghe, giải quyết những tâm tư nguyện vọng của công dân, tạo ổn định cơ sở, góp phần vào sự phát triển bền vững KT-XH. Theo đó, các cấp, các ngành cần rà soát, đánh giá lại kết quả triển khai thực hiện Luật tiếp công dân; giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật, bình đẳng và công khai đối với những kiến nghị của công dân; xử lý nghiêm những đối tượng lôi kéo kích động công dân đòi hỏi quá đáng ngoài quy định pháp luật. Quá trình thực hiện Luật tiếp công dân cần gắn với tránh nhiệm của người đứng đầu và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý: Sau khi tiếp dân, các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết yêu cầu chính đáng của công dân với tinh thần dứt khoát, không đùn đẩy trách nhiệm. Các ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện đúng quy định pháp luật trên tất cả các lĩnh vực./.
Hà Vân
http://www.hatinhtv.vn