Đến năm 2021, Đức Thọ sẽ còn 13 xã, thị trấn
- Thứ năm - 20/09/2018 05:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Triển khai thực hiện các Nghị quyết 18, 19, Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, huyện uỷ Đức Thọ đã xây dựng 6 đề án.
Trong đó có hai đề án tổng thể và 4 đề án chi tiết hợp nhất, sáp nhập ban, phòng cấp huyện gồm: Cơ quan Uỷ ban kiểm tra Huyện uỷ với Thanh tra huyện; Văn phòng Huyện uỷ với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện; Đài Truyền thanh – Truyền hình với Trung tâm Văn hóa thể thao và Du lịch; Phòng Nội vụ với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội.
Đối với cấp xã, thị trấn, từ năm 2018 đến năm 2021, Đức Thọ sẽ sáp nhập 28 xã, thị trấn xuống còn 13 xã, thị trấn, hợp nhất một số phòng, văn phòng, 4 tổ chức hội; tiếp tục thực hiện nhất thể hoá chức danh bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND xã ở những nơi có đủ điều kiện.
Theo tính toán sau sáp nhập, hợp nhất, giải thể, tinh gọn cấp huyện giảm được 9 đầu mối, 12 chức danh người đứng đầu; giảm được 15 đơn vị cấp xã và 15 trạm y tế; tinh giảm được hơn 1000 cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách ở các xã, thôn, tổ dân phố.
Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành đánh giá cao sự chủ động, tích cực của huyện Đức Thọ. Các đề án đã thể hiện khá chi tiết, công phu, bài bản, thể hiện quyết liệt, quyết tâm trong triển khai thực hiện. Đồng thời lưu ý trong quá trình thực hiện phải tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, phải đảm bảo quy trình, lộ trình phát huy tối đa dân chủ, tránh duy ý chí, chú trọng về chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Trên cơ sở tinh thần Nghị quyết 18, 19, Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Đức Thọ đã chủ động, quyết liệt trong xây dựng Đề án.
Tuy vậy, Đức Thọ phải phát huy tối đa dân chủ, lộ trình triển khai phải căn cơ, bài bản, bám sát thực tiễn để đảm bảo bền vững. Về sáp nhập xã cần cân nhắc kỹ lưỡng, quá trình triển khai đảm bảo đúng quy định, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Đối với nhập phòng, ban, đơn vị sự nghiệp ngoài quy định một số phòng cứng cần phải tính toán sáp nhập các phòng, ban có chức năng nhiệm vụ tương đồng sau khi đã được Ban thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt.
Quá trình thực hiện phải đảm bảo đúng thẩm quyền, đối với những việc thí điểm cần xin ý kiến cấp trên. Nguyên tắc chung là không áp đặt địa phương này buộc phải giống địa phương khác, nhưng phải có sự thống nhất.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, khuyến khích cán bộ xã kiêm luôn chức danh ở thôn; bí thư chi bộ đồng thời là thôn trưởng hoặc trưởng ban mặt trận. Ở cấp xã phải giảm công chức, khoán bán chuyên trách. Trước khi triển khai sáp nhập xã, huyện Đức Thọ cần tiến hành sáp nhập trường học và y tế. Đối với cấp huyện, trong nội bộ các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp cần xin ý kiến UBND tỉnh, các ngành chuyên môn một cách kỹ lưỡng.
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đình Sơn cũng lưu ý huyện Đức thọ cân nhắc kỹ việc sáp nhập các phòng Nội vụ và Lao động Thương binh và Xã hội. Đồng tình cao việc sáp nhập 3 văn phòng; sát nhập Ủy ban kiểm tra Huyện ủy với Phòng thanh tra UBND huyện; sáp nhập Trung tâm Chính trị với Ban tuyên giáo. Và có nghiên cứu để sáp nhập Ban Tuyên giáo với Dân vận.
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đình Sơn đặc biệt lưu ý, quá trình triển khai sáp nhập, giải thể phải xuất phát từ thực tiễn, đảm bảo tính khả thi và bền vững.
Văn Sơn/http://hatinhtv.vn/