Đến năm 2025, có khoảng 77.700 ha rừng nguyên liệu phục vụ chế biến
- Thứ hai - 11/09/2017 01:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mở đầu hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các đại biểu về nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ cần được thảo luận, làm rõ để đưa vào Đề án như: Dự án nuôi bò Bình Hà hiệu quả thế nào, việc tuân thủ pháp luật ra sao?; việc phát triển vùng nguyên liệu, phát triển đai rừng ven biển kết hợp phát triển du lịch ven biển?...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Đề án có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai thực hiện sau này nên các ngành, địa phương liên quan cần tham gia góp ý để hoàn chỉnh quy hoạch, định hướng phát triển trong thời gian tới.
Nội dung trọng tâm về thực trạng và định hướng phát triển một số lĩnh vực được nhấn mạnh như: về phát triển rừng trồng nguyên liệu, hiện có diện tích 72.600 ha, trong đó rừng keo chiếm 58.000 ha, định hướng phát triển trong thời gian tới đối với rừng trồng nguyên liệu là tập trung phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ chế biến theo quy hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 77.700 ha; tiến tới cấp chứng chỉ FSC cho rừng trồng; hình thành vùng nguyên liệu cung cấp cho 2 nhà máy với diện tích 16.350 ha; xây dựng mô hình “khu rừng thâm canh kiểu mẫu” diện tích 3.000 ha gỗ nhỏ tại Cẩm Xuyên và Kỳ Anh...
Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan Lê Quang Trung: Cần nghiên cứu cắt giảm diện tích trồng cỏ trên đất lâm nghiệp do không hiệu quả để ưu tiên trồng cây lâm nghiệp.
Về phát triển chăn nuôi, cây thức ăn chăn nuôi: diện tích quy hoạch chăn nuôi trên đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 3.800 ha, thời gian tới tiếp tục thực hiện 1.840 ha còn lại để đến năm 2025 tổng diện tích thực hiện 3.000 ha trên đất lâm nghiệp.
Cây thức ăn chăn nuôi theo định hướng quy hoạch là 6.870 ha, hiện đã thực hiện 705 ha, định hướng thời gian tới sẽ đầu tư thâm canh trên diện tích 750 ha đã được thực hiện... Đây là vấn đề quan trọng cần làm rõ để tỉnh xem xét nhằm khai thác hiệu quả diện tích này.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ Lê Quang Nghĩa (Cẩm Xuyên): Cần khảo sát, thực nghiệm chặt chẽ xem có phù hợp với thổ nhượng trước khi đưa giống cây vào trồng; không nên ồ ạt làm như một số dự án hiện nay.
Về phát triển khu du lịch sinh thái gắn các hồ đập: định hướng thời gian tới phát triển du lịch Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ gắn với hồ Kẻ Gỗ phù hợp với quy hoạch, bảo vệ môi trường, nguồn nước sinh hoạt...
Phát triển đai rừng ven biển kết hợp phát triển du lịch ven biển; định hướng phát triển trong thời gian tới và rà soát quý đất để cho các doanh nghiệp thuê phát triển, ổn định nguyên liệu cũng được nêu lên tại hội thảo.
Ông Lương Đình Chiến (xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh): Cần quan tâm giống cây lâm nghiệp và đầu tư hạ tầng lâm nghiệp.
Góp ý tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, việc ra đời Đề án là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu, xu thế phát triển chung, đồng thời kiến nghị chính quyền, các ngành cần quan tâm đến quy hoạch, môi trường; nên áp dụng mô hình nông lâm kết hợp; phát triển rừng trồng gỗ nguyên liệu; thực hiện theo hướng xanh, sạch, bền vững.
Đề án cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, vốn ưu đãi và đầu ra sản phẩm; đặt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng lên hàng đầu; đầu tư hạ tầng lâm nghiệp; có nghiên cứu đánh giá cho từng vùng quy hoạch để đảm bảo sản xuất tập trung mang tính hàng hóa; cần quy hoạch một số mỏ để phục vụ nhu cầu xây dựng...
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Bùi Quang Hoàn: Cần rà soát, nắm chắc diện tích rừng ven biển.
Một số đại biểu cũng cho rằng, Đề án chưa định hướng phát triển cây chè, cây có múi, cây dược liệu trên địa bàn Cụm 2; nên quản lý chặt chẽ giống cây lâm nghiệp và tổ chức sản xuất giống keo lai phù hợp với vùng đất Hà Tĩnh; bổ sung vào Đề án tuyến du lịch Kẻ Gỗ - Rào Trổ; quy hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng...
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn giao các ngành liên quan tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện Đề án; cấp ủy, chính quyền các cấp có văn bản chính thức để cán bộ, nhân dân biết, chuẩn bị triển khai thực hiện; các địa phương cần xem xét, bổ sung quy hoạch phù hợp với vùng đất, khí hậu, thời tiết nhằm khai thác lợi thế, đạt hiệu quả cao nhất; đánh giá đầy đủ tác động của môi trường đối với phát triển kinh tế để điều chỉnh dự án; cần có chuyên đề về cây ăn quả để có cái nhìn toàn diện đối với lĩnh vực này.