Dịch bệnh gia súc, gia cầm nguy cơ "trỗi dậy" dịp cuối năm
- Thứ sáu - 23/11/2018 01:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vào dịp cuối năm, nguy cơ dịch trên đàn gia súc tăng cao
Thực tế nhiều năm trước cho thấy, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thường xẩy vào những dịp cuối năm, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Trước hết là do diễn biến phức tạp của thời tiết, khả năng kháng bệnh của vật nuôi kém là môi trường thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Chỉ tính riêng tháng 11 năm 2017, trên địa bàn tỉnh có gần 130 con gia súc bị bệnh LMLM tại các huyện Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn và TX Kỳ Anh.
Dịch cúm H5N1, H5N6 có nguy cơ đe dọa đàn gia cầm
Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Can Lộc Đoàn Minh Lương cho rằng: Can Lộc được xem là "ổ dịch", nhất là dịch bệnh LMLM trên đàn gia súc thường xẩy ra. Trong khi đó, phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn vẫn có tâm lý chủ quan, chưa chú trọng đến các biện pháp an toàn cho đàn vật nuôi. Vấn đề lo ngại nhất là vào dịp cuối năm, lưu lượng vận chuyển mua bán gia súc, gia cầm tăng cao, nếu không được kiểm soát chặt chẽ nguy cơ dịch bệnh rất dễ xẩy ra.
Tình trạng giết mổ gia súc tại nhà trái với quy định vẫn còn xẩy ra tại một số địa phương
Thực trạng giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều bất cập, tình trạng giết mổ gia súc tại nhà, không đưa vào lò giết mổ tập trung vẫn còn xảy ra tại một số địa phương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh lan truyền nguy hiểm trên đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Hoài Nam - cán bộ Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh cho biết: Hà Tĩnh có tổng đàn gia súc, gia cầm khá lớn, trong đó gần 400.000 con trâu, bò, lợn và hơn 1,6 triệu con gà, vịt. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm giảm so với những năm trước; tỉ lệ tiêm phòng định kỳ đợt 2 đạt khá cao. Tuy nhiên, không vì thế mà ngành chuyên môn và người chăn nuôi chủ quan, lơ là với dịch bệnh.
Hiện nay, dịch bệnh LMLM, H5N1, H5N6 trên đàn gia súc, cúm gia cầm đã xuất hiện ở một số tỉnh lân cận như Quảng Bình, Nghệ An. Đặc biệt, dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp ở Trung Quốc có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Người chăn nuôi phải tiêm phòng bổ sung khi tái đàn để phòng bệnh hiệu quả
Theo ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh, dịch bệnh gia súc, gia cầm có thể "trỗi dậy" bất cứ lúc nào; đặc biệt là các ổ dịch cũ ở Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà, Hương Khê... Theo đó, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh của các hộ chăn nuôi. Ngoài việc tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ, người chăn nuôi phải tiêm phòng bổ sung khi tái đàn, đồng thời tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại; bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Thường xuyên phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, vùng có nguy cơ cao
Chính quyền các địa phương phải làm tốt công tác quản lý vận chuyển con giống vào, ra trên địa bàn; kiên quyết xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ, đưa toàn bộ gia súc, gia cầm vào lò giết mổ tập trung. Khi phát hiện dịch bệnh phải báo ngay cho ngành chuyên môn để kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lan ra diện rộng. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các hoạt động hành nghề, buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và xử lý nghiêm các vi phạm về lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên địa bàn...
Ngoài các biện pháp trên, các hộ chăn nuôi nên áp dụng khoa học - công nghệ, nhất là các kỹ thuật chăn nuôi sinh học, vừa giảm nguy cơ mắc bệnh của vật nuôi, vừa tăng chất lượng sản phẩm.