Doanh nghiệp, người dân Hà Tĩnh đón đợi gì sau kỳ giảm lãi suất ngân hàng?
- Thứ bảy - 10/08/2019 11:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Agribank Hà Tĩnh II là một trong ba ngân hàng công bố hạ lãi suất đầu tiên tại Hà Tĩnh
Trong năm 2019, đây là kỳ giảm lãi suất lần thứ hai đến từ phía ngân hàng. Lần đầu tiên được thực hiện vào đầu năm (ngày 10/1/2019), cũng bắt đầu từ các ngân hàng quốc doanh: Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 6,0%/năm, giảm 0,5% so với lãi suất được áp dụng trước đó.
Tính cả lần giảm này, tổng lãi suất được giảm là 1%/năm, một khoảng cách lãi suất không nhỏ cho "cuộc đua" tín dụng của các ngân hàng. Trong khi đó, “4 ông lớn” trên đang chiếm đến 50% thị phần tín dụng, việc giảm lãi sẽ có lợi cho số lượng khách hàng không nhỏ hiện nay.
Đây là lần giảm lãi thứ hai kể từ đầu năm với tổng số lãi suất được giảm là 1%/năm cho lĩnh vực ưu tiên
Chị Nguyễn Thị Hoàn (Thạch Hà) cho biết: “Thực tế, khoảng cách lãi suất này chắc chắn phải làm người vay vốn cân nhắc lựa chọn ngân hàng. Có điều, chính sách lại chưa được áp dụng trên nhiều đối tượng, rất khó để lôi kéo giảm lãi ở tất cả các ngân hàng. Hiện, các lĩnh vực vay vốn vì mục đích thiết yếu khác vẫn đang ở mức lãi cao”.
Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh, tính đến tháng 7/2019, dư nợ khu vực ưu tiên tại thị trường Hà Tĩnh đạt trên 21.000 tỷ đồng, chiếm hơn 43% tổng dư nợ. Dòng tín dụng ưu đãi từ các ngân hàng đã thực sự giải quyết có hiệu quả vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Lãi suất ưu đãi đã làm đúng vai trò "kích thích" phát triển kinh tế Hà Tĩnh trong năm qua
Ông Hoàng Trung Thông - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh cho hay: “Lâu nay, doanh nghiệp Hà Tĩnh chủ yếu chỉ mới được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi qua kênh ngân hàng. Việc ngân hàng giảm lãi ít nhiều là tín hiệu tốt cho doanh nghiệp. Tất nhiên, trước hết doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu của ngân hàng như: Lịch sử tín dụng lành mạnh và hiệu quả kinh doanh tốt. Đổi lại, doanh nghiệp mong muốn được ưu đãi thêm ở lãi suất của kỳ hạn dài hơn, nhằm tác động mạnh mẽ trong đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài cũng như đủ sức trong điều kiện cạnh tranh cao như hiện nay”.
Chính sách tín dụng cũng thúc đẩy sự phát triển của xã hội
Ngoài ra, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, mức lãi bình quân mà các doanh nghiệp đang được thụ hưởng hiện nay vào khoảng 9-12%, tuy nhiên, điểm nghẽn không hoàn toàn nằm ở lãi suất. Con đường vất vả nhất của doanh nghiệp đến với vốn vay ngân hàng lại nằm ở điều kiện vay vốn, thủ tục liên quan đến hồ sơ vay vốn và định giá tài sản thế chấp chưa sát với giá thị trường, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp. Vì thế, mặt bằng lãi suất cần đi kèm với chính sách tín dụng linh hoạt, nếu không doanh nghiệp phải đứng ngoài "cuộc chơi".
Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong đang thực hiện chuỗi liên kết khép kín sản xuất, tiêu thụ bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây với diện tích trên 330 ha. Nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp này để thanh toán tiền nguyên liệu cho các nhà vườn rất lớn. Nếu được tiếp cận vốn lãi suất thấp sẽ giảm được chi phí giá thành và tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong đang tiếp tục mở rộng chuỗi khép
kín từ sản xuất - tiêu thụ
Ông Hà Tiến Dũng - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong cho biết: “Mức lãi suất mà chúng tôi đang phải trả là 9,6%/năm, tới đây khi quy mô sản xuất mở rộng, chắc chắn nhu cầu vốn còn tăng cao. Ngoài lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân cần được hưởng ưu đãi về lãi suất cũng như các chính sách tín dụng linh động để đảm bảo lộ trình quay vòng vốn, cũng như trả nợ cho ngân hàng”.
Tuy thế, nhiều nhận định cho rằng lãi suất khó hạ trên diện rộng. Bởi, việc giảm lãi suất đầu ra sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, buộc các ngân hàng phải cân đối lại chi phí. Thêm vào nữa, nó còn phải tùy thuộc vào nhu cầu cầu của thị trường và tính thanh khoản của từng ngân hàng.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn