Đưa ra bộ tiêu chí khung để đánh giá, xếp loại chất lượng sản phẩm

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn vừa chủ trì cuộc họp của UBND tỉnh, nghe báo cáo kết quả hoàn thiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đặng Quốc Vinh, Dương Tất Thắng và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng dự.

Cuộc họp của UBND tỉnh về Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030

 

Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương xây dựng hoàn chỉnh Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của đề án nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng cộng đồng với sự tự nguyện tham gia của người dân để khai thác các tiềm năng, lợi thế thành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường; góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn, thương mại hóa sản phẩm, phát triển xã hội nông thôn bền vững. Đến nay, đã tổ chức khảo sát lựa chọn và UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch mua sắm thực hiện thí điểm phát triển, hoàn thiện 6 sản phẩm làm điểm tham gia đề án, gồm: Cam Khe Mây, nước mắm Lạch Kèn, bánh đa nem Thuận Kỷ, nước mắm Phú Khương, nem chua Ý Bình, kẹo cu đơ Phong Nga.

Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng: Đề án đã tạo cơ hội cho những ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp. Tinh thần của đề án là làm từ “dưới lên”, dân đề xuất trước, dân bàn, dân làm và thụ hưởng. Nhà nước tạo môi trường thuận lợi, có chính sách, định hướng phát triển, đưa ra cách thức thực hiện, hướng dẫn và dành nguồn lực để hỗ trợ… Các sản phẩm đề án đưa ra chỉ mang tính định hướng, việc sản xuất cái gì, bao nhiêu là do người sản xuất quyết định.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Cần đưa ra bộ tiêu chí khung để đánh giá, xếp loại chất lượng sản phẩm.

 

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” còn mang nặng tính lý luận, chưa sát với thực tiễn của tỉnh nhà. Phần bố cục chưa cân đối, nội dung còn chung chung, chưa xác định được mục tiêu chính.

Theo đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu để chỉnh sữa, bổ sung, hoàn chỉnh đề án vào cuối tháng 9/2018. Trong đó, phần đánh giá thực trạng phải sâu, kỹ các sản phẩm, nhất là hiệu quả những chính sách mà Hà Tĩnh đã ban hành gắn với từng sản phẩm; đưa ra bộ tiêu chí khung cho sản phẩm để đánh giá, xếp loại chất lượng sản phẩm. Riêng đối với cơ chế chính sách, cần nghiên cứu kỹ, trong đó ưu tiên các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại gắn với tiêu thụ sản phẩm, thiết kế nhãn mác, xây dựng thương hiệu./

Hà Vân/http://hatinhtv.vn/