Đức Thọ dồn sức cho các xã điểm về đích nông thôn mới
- Thứ sáu - 15/08/2014 03:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Việt, khác với quá trình xây dựng NTM ở Tùng Ảnh, nhiệm vụ xây dựng NTM ở các xã điểm năm 2014 gặp không ít thách thức. Do xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nên việc hoàn thành các tiêu chí thực sự là một áp lực lớn.
Yên Hồ huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn. |
Nhận thức được những điều đó, huyện Đức Thọ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường công tác lãnh đạo một cách toàn diện tất cả các lĩnh vực theo các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Theo lĩnh vực được phân công và tiêu chí phụ trách, các phòng chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Đặc biệt, vào thứ 6 hàng tuần, các tổ công tác của huyện đều duy trì chế độ giao ban tại từng xã điểm để đánh giá tiến độ, tìm nguyên nhân tồn tại và giải pháp chỉ đạo thực hiện một cách hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hồ - Lê Mạnh Hùng cho biết, “Thông qua các buổi giao ban thường kỳ, qua phân tích, đánh giá, đoàn công tác gợi ý địa phương tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất hàng hóa gắn với sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, hình thành các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, xây dựng các mô hình liên doanh, liên kết theo quy mô lớn, vừa và nhỏ và 30-35% hộ trong xã xây dựng được các mô hình sản xuất quy mô hộ. Từ đó, chúng tôi từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xây dựng và củng cố 4 HTX, 9 tổ hợp tác và 3 mô hình sản xuất”.
Xã Đức Lạng có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế trang trại, vườn đồi. Song, theo Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM huyện Đức Thọ - Nghiêm Sỹ Đông, việc phát triển các mô hình hiện nay ở Đức Lạng còn khiêm tốn. Quy mô các mô hình chỉ mới dừng lại ở mức vừa đủ điều kiện để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, người dân chưa mạnh dạn khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Dựa trên đề án phát triển theo từng vùng hàng hóa của địa phương, huyện cử cán bộ xuống tận các hộ để hướng dẫn quy trình, kỹ thuật, giúp người dân mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với doanh nghiệp. Từ đó, xã mạnh dạn quy hoạch 100 ha trồng cây ăn quả tại xóm Tân Quang, xây dựng thêm 3 mô hình chăn nuôi quy mô lớn, tiếp tục cải tạo, đầu tư phát triển loại hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp…
Xã Trường Sơn trong giai đoạn tập trung hoàn thành các tiêu chí đã nhận được nguồn lực hỗ trợ lớn của huyện với chính sách đặc thù dành cho nhóm xã điểm. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ gạch, xi măng đã tạo điểm tựa để địa phương xây dựng hệ thống mương tiêu thoát nước thải, thực hiện tiêu chí môi trường. “Từ đầu năm đến nay, xã đã hoàn thành hơn 3 km mương thoát nước và tiếp tục xây dựng 2,5 km mương còn lại ở các khu dân cư” - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn - Nguyễn Văn Tuyến cho biết.
Nhằm tiếp sức cho các địa phương, huyện Đức Thọ đã ban hành khá đồng bộ các chính sách để đa dạng các hình thức huy động nguồn lực, đặc biệt là vốn xã hội hóa xây dựng NTM. Ngoài các chính sách của tỉnh, huyện còn ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và xây dựng kênh mương, đường giao thông, nhà văn hóa thôn. Đối với các xã điểm, địa phương hỗ trợ thêm 100% gạch, xi măng xây dựng kênh mương, 300 triệu đồng xây dựng trường học và cho vay vốn để bà con xây dựng, sửa chữa nhà ở. Ngoài ra, HĐND huyện còn thống nhất trích 3 tỷ đồng để thưởng cho 3 xã nếu đạt chuẩn NTM trong năm 2014.
Tuấn Phương
Nguồn: baohatinh.vn