Gia Phố (Hà Tĩnh): Xã vùng giáo điển hình trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ hai - 08/07/2013 10:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Diện mạo mới ở xã vùng giáo Gia Phố Gia Phố là một trong 11 xã được chọn thí điểm xây dựng NTM, thuận lợi là được đầu tư nhiều nhưng thách thức cũng không ít vì đây là xã miền núi, tỷ lệ hộ nghèo cao, chủ yếu sản xuất nông – lâm nghiệp nhỏ lẻ, manh mún. Song với sự quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân, nhất là đồng bào Công giáo xã đã thành công. Những con đường đất đá lầy lội mỗi khi mùa mưa đến đã được thay thế bằng hệ thống đường bê tông đạt chuẩn, những ngôi nhà ẩm thấp, dột nát đã được ngói hóa khang trang, những khu vườn xanh mướt lên tô thắm thêm cho khung cảnh vùng quê, đời sống người dân đổi thay ngay từ cách nghĩ đến việc làm…Bởi vậy càng tạo thêm phấn khích cho nhân dân khi tiếp tục xây dựng NTM, vì hơn ai hết người dân hiểu được giá trị của việc xây dựng NTM là vì dân, do dân và của dân. Quá trình xây dựng NTM ở Gia Phố cho thấy việc đề cao vai trò của nhân dân đã làm nên thành công, điều đó thể hiện rõ nét trong đề án xây dựng NTM và đồ án quy hoạch NTM cấp xã. Người dân được góp ý, tham gia và lựa chọn những công việc thiết thực với yêu cầu và phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, việc công bố đã được công khai đến tận thôn xóm và triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nghiêm túc. Hành lang đường giao thông, khu công nghiệp làng nghề, khu trung tâm xã, khu dân cư, nghĩa địa đã được cắm mốc quy hoạch, việc xây dựng các công trình đảm bảo theo đúng quy hoạch được duyệt. Đối với Gia Phố, khi xây dựng NTM việc triển khai thực hiện đề án phát triển sản xuất là nhiệm vụ đầu tiên, bức thiết nhưng cực kỳ khó khăn vì tập quán sản xuất manh mún đã ăn sâu vào nếp nghĩ của từng người dân. Song với cách làm sáng tạo, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, một phong trào thi đua phát triển sản xuất được phát động mạnh mẽ đến từng khu dân cư, tạo nên sự dịch chuyển mau lẹ. Mỗi đơn vị xóm, mỗi tổ chức đoàn thể lựa chọn một việc làm cụ thể, tạo ra sản phẩm mẫu để vận động nhân dân tham gia làm theo. Thông qua các phong trào, các tổ chức, đơn vị được lập các dự án và huy động nguồn lực để xây dựng mô hình, tạo ra sản phẩm. Điển hình như tổ hợp chăn nuôi hươu ở xóm Phổ Thượng gồm 28 hộ liên kết nuôi 146 con. Tổ hợp đã liên kết chọn con giống, hỗ trợ nhau công tác thú y và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình nhóm hộ trồng bưởi Phúc Trạch với 35 hộ tại thôn Hải Thịnh, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ nhau chăm sóc, tạo giống, phối hợp với các nhà hàng, siêu thị tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn xã có 2 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác, 12 trang trại hộ gia đình, 4 doanh nghiệp tư nhân. Các tổ chức sản xuất trên địa bàn đã thu hút trên 250 lao động, thu nhập bình quân trên 2,5 triệu đồng/người/tháng. Những phong trào đó đã lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân, khiến các nhiệm vụ, các chỉ tiêu nhanh chóng đạt yêu cầu. Bà Nguyễn Thị Minh – Chủ tịch UBND xã Gia Phố cho biết: "Hiện nay, xã đã đạt 16/18 tiêu chí (tiêu chí chợ không triển khai vì đã có chợ thị trấn gần kề xã), có 2 tiêu chí chưa đạt là điện và môi trường, chúng tôi đang gấp rút thực hiện các biện pháp để hoàn thành các tiêu chí còn lại đồng thời rà soát, bổ sung các tiêu chí đã đạt nhưng chưa bền vững nhằm xây dựng một xã NTM thực sự đạt chuẩn”. Tuy nhiên, với ưu thế là xã điểm của Trung ương thì những gì mà Gia Phố làm được chưa thực sự tương xứng với mức đầu tư, một số tiêu chí còn đang lúng túng trong cách giải quyết. Chẳng hạn như tiêu chí điện, không được phân định rõ giữa xã với điện lực huyện Hương Khê ngay từ đầu nên dẫn đến trì trệ. Ông Lê Đình Nam, trưởng thôn Phố Cường cho biết: "Trong số 280 hộ có đường dây tải điện chưa đảm bảo của xã thì thôn Phố Cường đã có tới gần 30 hộ, dây điện đang giăng như tơ ở tuyến đường gần các hộ này. Sở dĩ các hộ này không có đường dây đảm bảo là vì họ ở xa, trong khi trước đây đóng góp để xây dựng trạm điện, đổ cột, kéo dây thì tất cả các hộ đều đã đóng tiền như nhau nên bây giờ vận động dân góp thêm tiền thì họ không chịu. Dân hỏi xã thì xã nói là trách nhiệm của điện lực, còn điện lực thì nói là mới nhận từ xã nên chưa có kinh phí, bởi vậy người thiệt chính là nhân dân…”. Tuy nhiên, những gì Gia Phố đạt được sẽ là động lực để các xã miền núi khác làm theo. HẠNH NGUYÊN |
Theo Báo Đại đoàn kết