Giá lúa cao, nông dân vẫn “ngậm ngùi”!
- Chủ nhật - 22/12/2013 19:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tăng 10-20% tất cả các loại giống…
Bình thường, cao điểm nhất của mùa thu mua lúa gạo sẽ dồn vào những ngày sau thu hoạch mùa vụ. Thế nhưng, khi vụ xuân 2014 cận kề, không khí thu mua lúa gạo vẫn sôi động ở các làng quê. Những chuyến xe thương lái vẫn rầm rập thu mua trên khắp các đường quê, ngõ xóm. Còn nhớ, kể từ sau vụ xuân 2013, giá lúa liên tục “tuột dốc”, có lúc “chạm đáy” 4.000 đồng/kg lúa thường và 5.500-6.000/kg lúa chất lượng, thì nay tất cả đều đồng loạt tăng giá.
Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An thu mua lúa sau thu hoạch tại xã Thạch Tân (Thạch Hà). |
Theo người nông dân, giá lúa hiện nay tăng so với cùng kỳ trung bình từ 10-20% tùy loại, cụ thể: xuân mai 12, khang dân 18: 6.000-6.500 đồng/kg; nếp 7.500-7.800 đồng/kg; HT1: 7.000 đồng/kg; VTNA2: 7.500 đồng/kg và đạt “đỉnh” nhất là gạo hữu cơ Quế Lâm 8.000 đồng/kg và Gia lộc 102: 8.500 đồng/kg…
Anh Nguyễn Văn Thành (Thạch Đài - Thạch Hà) cho biết: “Giá lúa tăng mạnh từ hơn 1 tháng nay, thời điểm này là cao nhất. Ban đầu, tôi cũng chỉ tính bán 2-3 tạ lấy vốn nhưng bây giờ có bao nhiêu bán hết, chỉ để lại một ít. Chỉ sợ không có lúa mà bán chứ bất kể lúc nào, loại gì cũng có người mua”. Không chỉ nội bộ một vùng nhất định, có vẻ như giá lúa, gạo tăng đều trên toàn tỉnh. Cùng tâm trạng phấn khởi, ông Nguyễn Văn Minh (Cẩm Minh - Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Càng về sau bán càng được giá và dễ bán. Nhiều người bảo thương lái nhập gạo bán cho Trung Quốc, trong nhiều năm trở lại đây, đây là lúc giá lúa tăng cao nhất. Người nông dân chúng tôi rất phấn khởi vì giảm được gánh nặng đầu tư giống, phân bón cho vụ xuân 2014”.
Tất nhiên, thời điểm này, nhu cầu bán ra của người nông dân rất cao do cần tiền mặt để tái đầu tư cho vụ mùa sắp sửa. Thêm vào đó, ở phạm vi rộng hơn, hiện nay, giá nhập khẩu gạo của cả nước đang tăng, kéo theo nhu cầu nhập lúa, gạo của các đầu mối thu mua nội tỉnh cũng tăng theo. Thế cho nên, việc giá lúa liên tục “lập kỷ lục” mới cũng là điều dễ hiểu. Được biết, ngoài 2 loại giống là xuân mai 12, khang dân 18 ở dòng phẩm cấp đại trà thì xu hướng lựa chọn của thị hiếu vẫn là dòng phẩm cấp cao, giống chất lượng áp dụng KHKT như: VTNA2, HT1, RVT, nếp…
Nông dân hết… lúa!
Nghe thì có vẻ ngược đời nhưng hiện thực này đang diễn ra ở nhiều vùng nông thôn. Mặc dù giá cao, nhu cầu thu mua lớn, nông dân cũng chỉ biết đứng nhìn vì không còn lúa để bán. Chị Nguyễn Thị Hoa (Cẩm Bình - Cẩm Xuyên) cho biết: “Tôi làm hơn mẫu ruộng, thu về hơn 2 tấn lúa, trau phơi xong đóng bì bán cho hàng sáo để lấy tiền trả nợ phân bón và vật tư từ đầu vụ. Bây giờ, tiếc hùi hụi, giá thế này chứ có cao hơn nữa cũng chịu, chẳng lẽ bán nốt cả lúa dự trữ của gia đình!”. Còn bà Bùi Thị Năm (xóm Tiến Bộ, Thạch Tân - Thạch Hà) cũng không khá khẩm hơn: “Nông sản liên tục mất giá, sản xuất lại rủi ro nên từ 2 năm nay, vụ lúa hè thu, tôi chỉ làm 7 sào (hơn một nửa diện tích), có bao nhiêu bán dần từ đầu vụ đến nay rồi”. Chung quy lại, một phần do người nông dân đã bán dần từ đầu vụ, mặt khác, cả thời gian dài, mặt hàng này liên tục mất giá, trượt dốc khiến người nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng.
Có thể coi, vụ hè thu 2013 vừa qua là một minh chứng chua xót, người nông dân ở một số địa phương không ngần ngại viết đơn xin từ bỏ ruộng, còn chuyện sản xuất “được chăng hay chớ”, nơi làm nơi bỏ lại càng phổ biến. Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa vẫn là sản xuất lúa, gạo hàng hóa của tỉnh ta nằm chung với thực trạng lúa, gạo cả nước hiện nay khi sản phẩm chưa tìm được giá trị đích thực trên thị trường. Giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, lên không ai ngờ, xuống “chới với”!
Ông Nguyễn Văn Thuýn (Kỳ Phong - Kỳ Anh) cho biết: “Tôi vừa là người sản xuất, vừa là đầu mối thu mua. Cuối vụ hè thu, tôi thu mua dự trữ 4 tấn để xuất dần cho đầu mối ở TP Hà Tĩnh. Mới đây, một cơ sở đặt vấn đề thu mua nhưng tôi chưa dám ký hợp đồng vì không có đủ nguồn cung dù tôi đã đặt giá cao hơn thị trường 10%”.
Thế mới nói, động thái này chỉ là “chiếc bánh vẽ” đánh lừa trực giác khi giá lúa tăng cao nhưng người trực tiếp sản xuất là nông dân vẫn không hề có lợi. Mỗi sào sản xuất, người nông dân không lãi quá 30%, thậm chí là “hòa cả làng” sau khi trừ chi phí. Trong khi cái thời khoanh bồ, dựng cót giữ lúa trong nhà đã qua từ rất lâu, nắm lúa vét được giá vào cuối mùa liệu có đủ bù đắp nổi chi phí và rủi ro mà họ phải đối mặt?! Tiền vẫn chảy về túi thương lái và nhà đầu cơ, thật chẳng khác nào “người làm ăn cháo, xào xáo ăn cơm”!
NGUYỄN OANH
Nguồn: baohatinh.vn