Gia tăng dân số - “Lộc” đông con, họa đói nghèo!

Gia tăng dân số - “Lộc” đông con, họa đói nghèo!
Bên cạnh những nguyên nhân như: hậu quả của chiến tranh, thiên tai, mất khả năng lao động… thì đông con là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng nghèo đói. Ở nhiêu làng quê Hà Tĩnh còn nhiều câu chuyện về các gia đình đông con dẫn tới nghèo đói và thất học...

Kết quả điều tra xã hội học ở Việt Nam năm 2010 cho thấy, 50–60% tổng số hộ được điều tra là do đông con dẫn đến đói nghèo.

Còn theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, Hà Tĩnh hiện có 45.767 hộ nghèo với 130.780 khẩu, 53.547 hộ cận nghèo với 218.826 khẩu.

Gia tăng dân số - “Lộc” đông con, họa đói nghèo!
Một gia đình bất hạnh có 7 anh em mắc bệnh chờ chết

Mặc dù số người trung bình của các hộ nghèo không lớn (3,5 người/hộ) nhưng thực tế ở một số địa phương, nhất là vùng biển, vùng sâu, vùng xa, rất nhiều hộ nghèo sinh con thứ 3 trở lên, thậm chí có những hộ nghèo ở các xã miền biển, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào có đạo, số con lên đến 7, 8, thậm chí 11, 12 đứa.

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Thái Văn Bình (thôn 6). Căn nhà cấp 4 xập xệ, có tới 7 người sinh sống (gồm 2 vợ chồng và 5 đứa con gái). Lân la hỏi chuyện, chúng tôi được anh Bình chia sẻ: “Biết là sinh đông con thì gia đình nghèo đói nhưng vì chưa có con trai nối dõi tông đường nên tôi phải sinh cho bằng được”.

Nhà có 7 miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào số tiền ít ỏi anh Bình kiếm được từ những chuyến ra khơi. Chị Lương – vợ anh Bình trước cũng phụ chồng đi biển nhưng từ ngày đứa con thứ 3 ra đời thì sức khỏe yếu hẳn nên ở nhà chăm sóc các con và thực hiện nghĩa vụ “săn” con trai cho chồng. Do không được chăm sóc đầy đủ nên các con gái anh Bình gầy gò, xanh xao. Với gia đình anh Bình, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám quanh năm và chắc chắn sẽ còn dai dẳng trong vòng luẩn quẩn.

Anh Trần Duy Hưng – Chuyên trách dân số xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) cho biết: “Gia đình anh Bình nhiều năm nay là hộ nghèo của xã. Chúng tôi đã nhiều lần đến tuyên truyền, vận động nhưng anh chị chỉ gật đầu cho qua chuyện rồi đâu lại vào đấy”.

Cũng theo anh Hưng, ở Cẩm Lĩnh có rất nhiều gia đình sinh con thứ 3 trở lên. Công tác DS-KHHGĐ nơi đây gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù 1/3 dân số sống bằng nghề đi biển. Tâm lý “đông con hơn nhiều của”, đặc biệt là sinh con trai để kế thừa nghiệp biển vốn đã ăn sâu từ bao đời nay.

Hiện Cẩm Lĩnh là một trong 3 xã khó khăn nhất của huyện Cẩm Xuyên. Mặc dù chính quyền đã có nhiều nỗ lực nhưng tỷ lệ hộ nghèo toàn xã vẫn chiếm 16% (năm 2012), trong đó 1/2 hộ nghèo là các gia đình sinh con thứ 3 trở lên. Do trình độ dân trí còn thấp nên người dân vẫn chưa nhận thức được hậu quả của việc sinh nhiều con. Cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng trong mỗi nóc nhà đông con. Con cái họ không được hưởng sự chăm sóc đầy đủ, không được học hành đến nơi đến chốn là điều hiển nhiên. Đấy là chưa kể đến việc gia tăng dân số gây áp lực lớn đến vấn đề việc làm, an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng…

Gia tăng dân số - “Lộc” đông con, họa đói nghèo!
Cần tăng cường công tác tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ.

Ở khắp các làng quê Hà Tĩnh còn rất nhiều câu chuyện về các gia đình đông con dẫn tới nghèo đói và thất học, nguyên do vẫn bởi những quan niệm cổ hủ như: “đông con là nhà có phúc”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”… Không mang nặng tư tưởng sinh con trai để nối dõi tông đường nhưng chị Diệu (xóm 5 – xã Yên Lộc, Can Lộc) đã có đến con thứ 9. Dù nhiều lần được cán bộ dân số xã tuyên truyền, tư vấn các biện pháp tránh thai nhưng chị Diệu đều không áp dụng. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các con của chị đều không được học hành đến nơi đến chốn.

Chị Đoàn Thị Huệ - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Can Lộc cho biết: “Hầu hết những gia đình đông con đều rơi vào diện hộ nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Để thay đổi nhận thức của họ thực sự không phải dễ. Đối với họ, sinh con nhiều, khó khăn thì được hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ bằng nhiều chế độ chính sách như hỗ trợ làm nhà, giảm tiền học cho con, hỗ trợ bảo hiểm, trợ cấp gạo... Thế là sinh ra tư tưởng trông chờ, ỷ lại”.

Rõ ràng, việc sinh đông con đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người dân và tạo gánh nặng cho xã hội. Để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành trong việc tăng cường công tác truyền thông DS-KHHGD theo nội dung, hình thức phù hợp với phong tục, tập quán từng địa phương, từ đó từng bước nâng cao nhận thức cho người dân. Ngoài ra, cần lồng ghép các chương trình dân số với chương trình phát triển KT-XH, đặc biệt là lồng ghép thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo với giảm các chỉ tiêu về dân số cho các đối tượng là hộ nghèo để từng bước đẩy lùi nghèo đói và nâng cao chất lượng dân số.

MINH HUỆ - PHAN TRÂM
theo baohatinh