Giảm lãi suất - tạo "cú hích" cho hoạt động tín dụng

Giảm lãi suất - tạo "cú hích" cho hoạt động tín dụng
Gần 10 ngày sau khi lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn hạn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh (từ 1 tháng đến dưới 6 tháng còn 5,5%/năm), hoạt động huy động vốn của các ngân hàng vẫn giữ nhịp độ sôi động. Với mong muốn tạo cú hích mới cho đầu tư tín dụng, nhiều ngân hàng đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Giảm giá đầu vào...

Có thể nói, trong bối cảnh nguồn vốn đầu vào tăng đều nhưng đầu ra vẫn nhỏ giọt, việc giảm lãi suất đã trở thành nhu cầu trước hết của các ngân hàng thương mại (NHTM). Bởi vậy, từ trước thời điểm NHNN đưa ra quyết định giảm lãi suất, một số NHTM lớn đã chủ động điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Theo Vietcombank Hà Tĩnh, từ ngày 3/10, toàn hệ thống Vietcombank đã đồng loạt giảm cả lãi suất huy động và cho vay. Tiếp đó, sau khi có quyết định mới của NHNN, lãi suất các kỳ hạn của Vietcombank lại giảm thêm bước mới. Hiện nay, lãi suất huy động vốn các kỳ hạn ngắn chỉ còn ở mức 4,3% đến 5,50%/năm. Mức lãi mới thấp hơn, nhưng không có nhiều tác động đến kết quả huy động vốn của chi nhánh. Tuy nhiên, xu hướng lựa chọn kỳ hạn dài ngày càng rõ nét, với tỷ lệ 22,84% nguồn vốn có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên trong cơ cấu nguồn tiền gửi tiết kiệm ở Vietcombank Hà Tĩnh.

Giảm lãi suất - tạo `cú hích` cho hoạt động tín dụng

Agribank Cẩm Xuyên cho vay vốn hỗ trợ lãi suất các mô hình trồng nấm ở xã Cẩm Vịnh.

Ở Agribank Hà Tĩnh, sau hơn 10 ngày giảm lãi suất theo chỉ đạo của NHNN (lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng còn 4%/năm, kỳ hạn 2 tháng 4,5%, 3 tháng 5% và từ 4-5 tháng là 5,5%/năm), nguồn tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng trên 35 tỷ đồng. Giám đốc Chi nhánh Nguyễn Thị Diên cho biết: Mặc dù đầu năm nguồn vốn huy động và quản lý có sự sụt giảm khá lớn ở các xã thuộc Khu kinh tế Vũng Áng do người dân rút tiền để xây dựng nhà ở tại vùng tái định cư, tuy nhiên, nhờ sớm triển khai chiến lược huy động vốn với nhiều giải pháp linh hoạt, đến thời điểm này, nguồn vốn huy động của chi nhánh đã vượt gần 200 tỷ đồng so với chỉ tiêu được giao cả năm 2014.

Ngay ở khối NHTM cổ phần, việc giảm lãi cũng không còn là vấn đề đáng lo trong công tác huy động nguồn vốn. Giám đốc Oceanbank Hà Tĩnh - Trần Thị Lan cho biết: Với các sản phẩm tiết kiệm đa dạng, hướng tới nhiều đối tượng khách hàng, cùng chiến lược tiếp thị sản phẩm hấp dẫn, chi nhánh vẫn tăng nguồn vốn huy động khá cao với mức 12% trong 10 tháng đầu năm.

Đến nay, sau khi các NHTM đồng loạt giảm lãi suất huy động tiền đồng so với mức lãi suất cũ, mức lãi suất tiền gửi ngắn hạn hiện chỉ còn ở mức 4,3 - 5,5%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn dài phổ biến quanh mức 7-7,5%, một vài ngân hàng huy động 8%/năm.

... Để tạo động lực mới cho đầu ra

Trong đợt giảm lãi suất lần này, ngành ngân hàng đã đồng thời phát ra thông điệp giảm cả đầu vào và đầu ra. Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV cùng đồng thuận cam kết hạ lãi suất cho vay trung, dài hạn, với 5 lĩnh vực ưu tiên xuống 10%/năm, bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 7%/năm như quyết định của NHNN. Bà Nguyễn Thị Diên - Giám đốc Agribank Hà Tĩnh cho biết, đến thời điểm đầu tháng 11, Agribank Hà Tĩnh mới chỉ đạt mức tăng tín dụng hơn 5%, so với kết quả 12% cùng kỳ năm ngoái.

Mục tiêu thúc đẩy đầu ra nguồn vốn đang được chi nhánh dồn sức triển khai trong những tháng cuối năm. Vì vậy, việc giảm lãi suất lần này đã được chi nhánh thực hiện trên diện rộng với mức cho vay nông nghiệp, nông thôn chỉ còn 7%/năm. Nếu đối tượng vay vốn thuộc diện được vay theo QĐ 23 của UBND tỉnh về hỗ trợ lãi suất cho phát triển sản xuất thì chỉ phải trả chi phí lãi suất 3,5%/năm. Cùng với mức lãi suất cho vay hấp dẫn này, chi nhánh đang tập trung chỉ đạo các ngân hàng cấp huyện tăng cường tìm kiếm, tiếp cận, tư vấn khách hàng để khơi thông kênh vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Không chỉ các ngân hàng lớn, các NHTM cổ phần cũng nắm bắt cơ hội giảm lãi suất huy động để đẩy nhanh dư nợ cuối năm. Giám đốc NHTM cổ phần Á Châu (ACB) Hà Tĩnh - Nguyễn Hồng Nhật cho biết: Lãi suất cho vay hiện nay của chi nhánh đối với đầu tư ngắn hạn chỉ còn 8-9%/năm, trong đó, các lĩnh vực kinh tế ưu tiên là 7%. Cùng với việc cán bộ tín dụng trực tiếp cùng khách hàng thực hiện hồ sơ vay vốn, linh hoạt trong thực hiện quy trình thủ tục, ACB Hà Tĩnh đang về đích kinh doanh năm 2014 với con số tăng trưởng dư nợ khá ấn tượng. Với việc tăng hơn 100 tỷ đồng cho vay từ đầu năm đến nay, hiện dư nợ cho vay của chi nhánh đã đạt trên 300 tỷ đồng và là một trong những đơn vị có thị phần dư nợ lớn nhất trong khối các NHTM cổ phần.

Theo phân tích của Giám đốc Techcombank Hà Tĩnh - Hoàng Thị Lan, quyết định giảm trần lãi suất được ban hành dựa trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá tốt. Đây là cơ sở để các ngân hàng giữ chân nguồn vốn nhàn rỗi, đồng thời mở rộng đầu tư tín dụng, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp để phát triển SXKD hiệu quả hơn.

Mai Thủy
baohatinh.vn