Giáo dục đào tạo phải hướng đến đại trà gắn với chuyên sâu
- Thứ hai - 14/05/2018 08:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dự thảo đề án “Phát triển giáo dục, đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo” đã đánh giá được thực trạng giáo dục Hà Tĩnh, đã đưa ra các mục tiêu, nhóm nhiệm vụ giải pháp nhằm phát triển giáo dục Hà Tĩnh một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Trong đó, có 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức về giáo dục của toàn xã hội; tiếp tục thực hiện quy hoạch hệ thống trường mầm non và phổ thông đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.
Góp ý vào dự thảo đề án, các đại biểu đều cho rằng: Các phần chưa hợp lý, một số nội dung còn chung chung. Theo đó, đề án cần phải đánh giá kỹ hơn về thực trạng và chất lượng giáo viên ở từng cấp học, từ đó có dự báo tình hình để đưa ra các mục tiêu, giải pháp phù hợp, có tính chiến lược. Trong phần giải pháp cần chú trọng đến vấn đề xã hội hóa giáo dục, ngoài cơ sở vật chất ở các trường học cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng đội ngũ cán bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2025 và những năm tiếp theo phải hướng đến giáo dục đại trà gắn với chuyên sâu |
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh ghi nhận sự cố gắng của Sở Giáo dục và Đào tạo và các ngành, địa phương liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo đề án. Tuy nhiên, một số nội dung chưa sâu, chưa khẳng định được sự cần thiết của việc ban hành đề án trong điều kiện mới.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá cả quá trình phát triển của ngành giáo dục và đào tạo từ nhiều năm qua. Phải nêu được những thành tích nổi bật, những cơ chế chính sách, sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá thực chất những hạn chế của ngành như chất lượng dạy và học ở một số trường; công tác tổ chức bộ máy, chất lượng thi thi cử…
Đặc biệt, cần đánh giá sâu hơn mô hình xã hội hóa giáo dục, mô hình chuyển từ bán công sang công lập, chương trình sách giáo khoa, việc phân luồng học sinh. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Quan điểm xuyên suốt của Hà Tĩnh là phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2025 và những năm tiếp theo phải hướng đến giáo dục đại trà gắn với chuyên sâu, sắp xếp bộ máy gắn với xã hội hóa đầu tư.
Trong đó, đối với vùng sâu vùng xa cần tập trung ưu tiên cơ sở vật chất, cơ chế cho đội ngũ giáo viên. Theo đó, mục tiêu trong đề án phải mang tầm chiến lược dài hơi, nhất là tập trung sắp xếp bộ máy ngành và có phương án cơ bản rõ trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và các địa phương hoàn thiện dự thảo đề án để trình UBND tỉnh vào đầu tháng 6 năm 2018.
Hà Vân
hatinhtv.vn