Gìn giữ nếp làng trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh
- Chủ nhật - 04/08/2019 04:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trường Lộc (Can Lộc) là một trong những miền quê văn hóa có nhiều di tích lịch sử. Ngoài hệ thống di sản, di tích và các nhà thờ dòng họ được bảo tồn, xã còn có 10 nhà cổ và rất nhiều giếng nước cổ… Ẩn chứa trong mỗi một di tích ấy là những câu chuyện đáng tự hào về truyền thống, những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của các thế hệ đi trước. Chính vì thế, trong phong trào xây dựng NTM hôm nay, người Trường Lộc vẫn luôn chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa làng quê mà cha ông để lại.
Mỗi chiều ngồi hóng mát ở giếng Trót đầu thôn Phượng Sơn, ông Nguyễn Huy Đường thường lại kể cho con cháu nghe về lịch sử ra đời của giếng làng. Giếng Trót được người làng cùng nhau xây dựng cách đây hơn 120 năm. Mục đích ban đầu là để lấy nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày nhưng về sau, giếng trở thành nơi hò hẹn của các lứa đôi, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người làng.
Ông Đường cho biết: “Trân trọng những giá trị văn hóa đó nên trong phong trào xây dựng NTM hiện nay, người làng tôi rất coi trọng việc trùng tu, tôn tạo giếng làng. Những gia đình ở xung quanh khu vực giếng đã hiến đất mở rộng đường. Nhà nhà, người người cũng góp thêm công, thêm của để xây dựng lại giếng. Chúng tôi còn trồng thêm 2 cây đa và đặt thêm một số ghế đá. Nơi đây giờ đã trở thành nơi nghỉ mát, vui chơi của người già, trẻ con trong làng mỗi buổi chiều tà”.
Trong quần thể rất nhiều những dấu vết cổ xưa trên mảnh đất văn hóa Can Lộc, những người đến với Trường Lưu đều ấn tượng với những ngôi nhà cổ trong khuôn viên vườn hoa cụ Thám - một trong bát cảnh nổi tiếng ở Trường Lưu. Nằm lẫn khuất bên những ngôi nhà cao tầng với kiến trúc hiện đại, nét cổ kính trong những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi như một điểm nhấn mang đến sự bình yên, lắng đọng trong suy nghĩ của mỗi người sau những ồn ào, xô bồ của cuộc sống.
Cũng trên dấu tích khuôn viên vườn hoa cụ Thám, 5 anh em gia đình ông Trần Huy Trí vẫn ngày ngày đi chung trong một con ngõ nhỏ, nơi có bờ chè tàu đã hơn trăm tuổi từng gắn bó từ thuở ông bà và lưu giữ những ký ức tuổi thơ của mấy anh em. Ông Trí cho biết: “Tham gia xây dựng NTM, chúng tôi đã phá bỏ vườn tạp, trồng thêm nhiều loại cây ăn trái. Nhiều loại cây cũng được chặt bỏ thay bằng tường bao nhưng bờ chè tàu nơi con ngõ nhỏ này vẫn được anh em chúng tôi chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên như một cách lưu giữ những kỷ niệm mà cha ông đã để lại”.
Dẫu mang một diện mạo mới nhưng những hàng rào cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, công phu vẫn khiến xã NTM Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) còn đậm bóng dáng làng quê xưa. Từ những con đường lớn vào thôn đến các ngõ nhỏ và tận mỗi sân nhà, hàng rào xanh từ những cây chuỗi ngọc, cây chè tàu và những vườn cây trái… gợi cho ta cảm giác yên bình, mát mẻ của làng quê.
Chị Đặng Thị Thúy - Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Bình cho biết: “Ngoài việc mở đường xây tường bao, chúng tôi động viên chị em trồng những hàng rào xanh vừa để tạo môi trường mát mẻ, vừa giữ lại vẻ đẹp, nét bình yên của làng quê xưa. Hiện nay, Hội LHPN xã đã trồng và chăm sóc hơn 20 km bờ rào xanh ở khắp các đường thôn, ngõ xóm, góp phần gìn giữ màu xanh nông thôn”.
Cùng với phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, Cẩm Bình cũng đã duy trì nhiều phong tục, tập quán có giá trị văn hóa như: Các lễ nghi trong quan hệ họ tộc, xóm giềng, giữ gìn và phát huy những nếp quê truyền thống, sống quần tụ trong các thôn xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất và cuộc sống...
Hiện nay, rất nhiều vùng quê NTM trên mảnh đất Hà Tĩnh, nếp làng xưa, văn hóa làng Việt vẫn được người dân giữ gìn. Đó là cách người dân lưu giữ những giá trị truyền thống đẹp đẽ cho con cháu muôn sau.
Theo: Thúy Ngọc/baohatinh.vn