Giữ hồn quê khi xây dựng nông thôn mới
- Thứ sáu - 12/10/2012 20:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cổng nhà người dân Ðức Thọ (Hà Tĩnh) được kết bằng cây xanh nhằm giữ lại nét quê. |
Lũy tre xanh, con chim vàng anh ngày ấy đã không còn, bóng dáng làng quê cũng dần phai nhạt bởi cuộc chiến tranh tàn khốc đã phá hủy nhiều làng mạc, nhiều di tích lịch sử văn hóa. Thế rồi sau hơn 30 năm hàn gắn vết thương đó, chúng ta đã xây dựng được những làng quê thanh bình, yêu dấu, với cây đa, bến nước, sân đình, những rặng tre xanh...
Kể từ khi bắt tay XD NTM, chính quyền và người dân thực hiện theo bộ tiêu chí về đường giao thông: tuyến đường trục xã tối thiểu mặt đường rộng 5 - 6 mét; trục thôn 4,5 - 5 mét; đường ngõ xóm 3,5 - 4 mét; bờ vùng 3,5 - 4 mét và bờ thửa 1,5 - 2 mét. Với quy định trên, để đạt tiêu chí đề ra, người dân phải dỡ bỏ, chặt phá bờ rào, cây cối thậm chí cả những cổ thụ nhiều đời cha ông để lại.
Sau một thời gian thực hiện, tiếng kẽo kẹt võng đưa của những lũy tre xanh hay hình ảnh trưa hè trẻ nhỏ nấp dưới bóng cây cổ thụ nghe già làng kể chuyện cổ tích cô Tấm ngày xưa nhiều nơi không còn nữa, thay vào đó là những khối bê-tông bao kín cả làng, cái nắng nóng gay gắt buổi trưa hè hắt vào nhà dân khiến cho không khí trở nên ngột ngạt, oi bức. Ðường chính bê-tông, vỉa hè bê-tông, ngõ xóm bê-tông đến cả bờ vùng, bờ thửa cũng bê-tông.
Chúng tôi có cuộc khảo sát ở một số vùng quê khu vực Bắc Trung Bộ, khi đến những vùng thực hiện bê-tông hóa toàn phần. Trông qua thì diện mạo một số làng quê có vẻ như được hiện đại hóa nhưng nhìn kỹ mới thấy toàn bộ nét quê xưa đã bị biến dạng. Ngược lại một số vùng quê khác cũng XD NTM nhưng khi thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn họ vẫn giữ được nét quê xưa, đó là ở vùng quê Ðức Thọ (Hà Tĩnh).
Tuy mới bắt tay thực hiện hơn hai năm nhưng huyện Ðức Thọ được đánh giá là một trong những huyện đi đầu trong công cuộc XD NTM, phong trào hiến đất làm đường được người dân đồng loạt hưởng ứng. Ðiển hình như xã Tùng Ảnh, đến nay đã đạt 17 tiêu chí và cuối năm 2012 này Tùng Ảnh sẽ cùng với 2 xã Thiên Lộc (Can Lộc) và Gia Phố (Hương Khê) về đích khi đạt đủ 19 tiêu chí đề ra. Sau Tùng Ảnh là các xã Trường Sơn, Trung Lễ, Thái Yên... cũng sẽ về đích những năm tiếp theo.
Theo lời giới thiệu của Chủ tịch UBND huyện Võ Công Hàm, chúng tôi về thôn Châu Nội, một trong những thôn đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường. Thôn Châu Nội không thực hiện bê-tông hóa toàn phần nhưng vẫn hoàn tất được tiêu chí giao thông. Vì thế, Châu Nội vẫn còn đó những lũy tre xanh, vẫn tiếng kẽo kẹt võng đưa giữa trưa hè. Lũ trẻ ngày ngày vẫn ngồi nghe già làng kể chuyển cổ tích dưới bóng cây cổ thụ hằng trăm năm soi bóng bên bờ sông Lam.
Vào thăm gia đình ông Mai Xuân Bảng, bao quanh nhà ông là tường rào bằng cây giới được cắt tỉa phẳng lỳ, bốn góc vườn là lũy tre xanh mát rượi. Ông Bảng tâm sự: "Khi bắt tay vào phong trào XD NTM chúng tôi tưởng rằng phải chặt bỏ cây cối để làm đường nhưng theo nguyện vọng của ngươi dân trong thôn xóm, chính quyền xã, huyện chấp thuận cho nên đường vẫn được mở đúng với tiêu chí đặt ra mà nét đẹp của làng quê vẫn được lưu giữ nguyên vẹn.
Trưởng thôn Mai Ðình Thao cho biết: 162 hộ dân thôn Châu Nội rất đồng tình với chủ trương XD NTM. Vì thế, khi phát động hiến đất, dỡ bỏ tường rào để mở rộng đường, ai ai cũng tham gia nên đến nay 100% số đường giao thông của thôn đã được bê-tông hóa. Tuy nhiên, song song với thực hiện bê-tông hóa đường giao thông, thôn Châu Nội cũng thực hiện Nghị quyết của Ðảng ủy xã về trồng cây xanh ở các trục đường, ngõ xóm để làm bờ rào, tăng thêm bóng mát cho làng quê.
"Bê-tông hóa là việc làm cần thiết đối với các trục đường liên xã, liên thôn nhưng cần thực hiện hài hòa giữa cái cũ và cái mới, không nên làm mất đi những nét đặc trưng của hồn quê Việt Nam. Ðây cũng là một cách bảo vệ môi trường sống của con người, gìn giữ nét văn hóa vốn có đặc trưng của từng vùng quê"- ông Thao nói.
Việc XD NTM là một chủ trương đúng đắn nhưng việc thực hiện còn nhiều vấn đề bất cập, Trong đó, việc bê-tông hóa đường giao thông cần phải được xem xét lại bởi nếu lạm dụng bê-tông hóa toàn phần thì làng mạc sẽ trở thành một khối bê-tông xấu xí, làm mất đi vẻ đẹp yên ả vốn có. Vì thế, việc XD NTM phải được nhìn từ nhiều góc độ, đề ra những cách làm cụ thể, phù hợp cho mỗi vùng quê, nhằm bảo vệ được tính lịch sử truyền thống cũng như vẻ đẹp đặc trưng của nông thôn Việt Nam.
Nguồn: nhandan.org.vn