Gỡ khó cho hoạt động khuyến ngư ở Hà Tĩnh
- Thứ hai - 06/07/2015 23:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Cầm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hà Tĩnh (ảnh) có nhiều chia sẻ với Thủy sản Việt Nam.
Hoạt động khuyến ngư nổi bật của tỉnh trong thời gian qua, thưa ông?
Nuôi trồng thủy sản (NTTS), đặc biệt là nuôi tôm đã trở thành thế mạnh của Hà Tĩnh, đến nay nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư thêm vốn và kỹ thuật chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh cải tiến, bán thâm canh sang nuôi tôm thâm canh công nghệ cao trên cát, đưa diện tích nuôi tôm theo hình thức mới hiệu quả này lên 431 ha (tăng 131 ha so năm 2013). Tại các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh… đã có nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh trên cát cho năng suất cao với 15 - 20 tấn/ha/vụ, còn nuôi tôm trong ao đất có quạt nước cũng đạt bình quân 5 - 8 tấn/ha/vụ… Trên địa bàn tỉnh hiện có 18 HTX nuôi trồng thủy sản, trung bình mỗi HTX có diện tích 4 - 5 ha, sản lượng 25 tấn/ha. Trong đó, một đơn vị được chứng nhận VietGAP là HTX Nuôi trồng Thủy sản Xuân Thành (Nghi Xuân) với diện tích 7 ha…
Ông có thể cho biết một số mô hình khuyến ngư điển hình?
Nhiều mô hình nuôi tôm cho hiệu quả cao, trong đó nuôi TTCT an toàn sinh học theo hướng VietGAP được nhiều hộ áp dụng. Ông Nguyễn Văn Mại (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) có 0,5 ha diện tích tôm nuôi, sau 3 tháng, tôm đạt 75 - 80 con/kg, tỷ lệ sống 80%. Tính ra, 0,5 ha đạt sản lượng 4 tấn, trị giá gần 700 triệu đồng, lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Theo ông Mại, nuôi tôm theo hướng VietGAP rất dễ quản lý và đảm bảo an toàn dịch bệnh do mật độ thưa - 80 con/m2; nuôi bằng chế phẩm sinh học nên giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Tương tự, anh Nguyễn Đức Thuận (thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà) cũng áp dụng nuôi tôm thâm canh theo quy trình VietGAP trên diện tích 0,5 ha. Theo anh Thuận, nuôi tôm theo hướng VietGAP không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình cải tạo ao đầm mà chất lượng con giống đặc biệt được chú trọng. Mô hình của anh Thuận mặc dù thu hoạch sớm (sau 75 ngày nuôi) do biến động thời tiết, nhưng sản lượng vẫn đạt hơn 4 tấn; trừ chi phí, lãi ròng trên 234 triệu đồng.
Điển hình nuôi cá hồng mỹ trong lồng bè là hộ ông Nguyễn Mạnh Hồng ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Ông Hồng thả nuôi 3.000 con cá giống trong 6 lồng, mật độ 21 - 22 con/m3 lồng. Sau 7 tháng, với tỷ lệ sống 70%, ông thu được 1,68 tấn cá thương phẩm, kích cỡ trung bình 0,8 kg/con. Giá bán 100.000 đồng/kg, tổng thu đạt 168 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu vào lãi hơn 50 triệu đồng.
Tại phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh, anh Trần Lĩnh thả 6.000 con giống cá lóc trên diện tích mặt nước 2.000 m2. Sau 5 tháng, mặc dù có thiệt hại bởi lũ lụt nhưng anh Lĩnh vẫn thu hoạch được hơn 1,5 tấn cá thương phẩm, giá trị khoảng 50 triệu đồng.
Những hoạt động khuyến ngư này có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Hiện nay, số lượng và chất lượng các cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống vẫn còn thiếu và yếu. Trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở cung cấp tôm giống, trong đó 2 cơ sở ương dưỡng cung cấp nội tỉnh 39,13 triệu con bằng 11,18% tổng số giống thả nuôi, còn 88,82% số giống mua nhập từ bên ngoài, chủ yếu từ các tỉnh Nam bộ. Có 3 cơ sở sinh sản và ương dưỡng giống thủy sản nước ngọt được 42,8 triệu con, đáp ứng gần 60% nhu cầu, số còn lại mua từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa... Giống nhuyễn thể vá các đối tượng cá biển, hải đặc sản khác chủ yếu khai thác tự nhiên và thu mua ở một số tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định... Điều này cho thấy, lượng con giống chất lượng được sản xuất trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng 20 - 30% nhu cầu, còn lại phải mua từ các tỉnh khác nên chất lượng chưa đảm bảo.
Người nuôi tôm ở Hà Tĩnh vệ sinh ao sau mỗi vụ nuôi - Ảnh: Nam Anh
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất nhiều hồ nuôi tôm không đảm bảo, hệ thống kênh mương xuống cấp, thiết bị công nghệ lạc hậu. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh ở tôm, khiến năng suất, chất lượng đạt thấp. Song, khía cạnh khác thì phát triển manh mún, nhỏ lẻ trong NTTS là do việc cấp đất cho lĩnh vực này tại một số địa phương có thời hạn quá ngắn (5 năm) dẫn đến người dân ngại đầu tư sợ bị thu hồi đất. Mặt khác, người dân thiếu vốn, nguồn vay cho NTTS gặp rất nhiều khó khăn. Việc áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất chưa được chú trọng.
Liên kết 4 nhà trong sản xuất còn hạn chế dẫn đến khó khăn về "đầu ra" nhất là vào mùa thu hoạch lớn, khiến người dân bị tư thương ép giá...
Khắc phục những hạn chế, theo ông cần phải làm gì?
Trước hết cần phải rà soát, điều chỉnh để xây dựng quy hoạch về đất đai cho NTTS (tỉnh đã có quy hoạch cho vùng nuôi tôm trên cát). Đặc biệt chú trọng đến quy hoạch chi tiết một số vùng nuôi tập trung, nuôi công nghệ cao, vùng nuôi tôm trên cát. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu thuê đất NTTS ổn định, lâu dài và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi đã được quy hoạch nhằm thu hút đầu tư NTTS. Đối với hình thức nuôi, cần tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi tôm trên ao đất lót bạt đáy, nuôi TTCT trên cát có lót bạt... Liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh để có kế hoạch ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. Bố trí nuôi rải vụ để dễ tiêu thụ sản phẩm và giá đầu ra tốt cho... Về con giống, hiện trên địa bàn tỉnh đã có Công ty TNHH Thông Thuận đầu tư trung tâm giống chất lượng cao, trên diện tích 60 ha. Hy vọng trong thời gian tới sẽ đáp ứng đủ nhu cầu giống thủy sản cho người dân.
Hoạt động khuyến ngư nào sẽ được chú trọng trong thời gian tới, thưa ông?
Năm 2015, Hà Tĩnh sẽ tăng thêm 96 ha diện tích nuôi tôm. Trong đó, tỉnh sẽ giảm diện tích nuôi tôm sú từ 575 ha (năm 2014) xuống 500 ha, tăng diện tích TTCT từ 1.489 ha (năm 2014) lên 1.660 ha và sản lượng từ 3.100 tấn (năm 2014) lên 4.100 tấn. Để hoàn thành mục tiêu này, Trung tâm chú trọng vào công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao ý thức người nuôi, không sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm… Tiếp tục triển khai những mô hình nuôi thủy sản tập trung, hiệu quả: nuôi tôm công nghệ cao, áp dụng VietGAP. Mô hình nuôi cá bơn, cá mú lồng trên ao, hồ hiện đang được triển khai trên diện tích 24 ha tại 3 huyện: Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuân, hiện cá đang phát triển tốt.