Hà Tĩnh: Ao tôm thấp thỏm "trông trời..."
- Thứ hai - 12/08/2013 04:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dịch bệnh giảm
Theo nhiều hộ nuôi ở xã Xuân Đan, vụ đầu năm nay, số lượng tôm chết do dịch bệnh đã giảm so với năm 2012. Các ao đầm tôm thả nuôi từ đầu năm đang phát triển bình thường, một số diện tích thả sớm đã thu hoạch rải rác từ hơn 1 tháng trước. Ông Bùi Tùng Phong - một hộ nuôi tôm lâu năm tại Xuân Đan - cho biết: So với năm ngoái, diện tích tôm thả nuôi bị chết đã có xu hướng giảm. Năm ngoái, lúc cao điểm, diện tích tôm thả bị chết tại Xuân Đan chiếm 80%; năm nay con số này là 20%. Giá tôm cũng tăng và ổn định hơn. Hiện, giá tôm đang 90.000 đồng/kg (80 con/kg), nhưng mức giá này cũng giảm vài phần trăm so với hơn một tháng trước. Người nuôi vẫn phấp phỏng mong chờ thời tiết thuận lợi và nhà chuyên môn sớm tìm ra biện pháp khắc phục dịch bệnh Hội chứng tôm chết sớm (EMS).
Ông Phong cho biết thêm: Diện tích tôm đang thả nuôi vụ này của nhà ông là 6 ha, cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng, một phần đã bán hơn một tháng trước, số còn lại vẫn đang thả nuôi và phát triển bình thường. Dự kiến sẽ bán rải rác từ giờ đến hết tháng 7. Trong xã chưa xảy ra hiện tượng gì bất thường, người nuôi vẫn đang bán tôm và chăm sóc số tôm trên diện tích đang thả.
Một hộ nuôi tôm khác ở xã Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân) chia sẻ: 5 ha nuôi tôm của gia đình ông vẫn đang thời điểm thu hoạch; từ đầu vụ, do thả nuôi theo quy trình và theo hướng dẫn của Chi cục Thú y, cộng với kinh nghiệm học hỏi từ địa phương khác (nuôi mật độ thưa, hạn chế sử dụng hóa chất, làm sạch đáy ao bằng men vi sinh…) nên diện tích nuôi vẫn phát triển bình thường. Vụ này, cả tôm bán trong nước và xuất khẩu giá bán trung bình đều cao hơn vụ trước 20% nên người nuôi có lãi.
Người nuôi tôm ở Hà Tĩnh vẫn chưa thể yên tâm với vụ mới - Ảnh: Quốc Minh
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh, bà Đặng Thị Thu Hoàn cũng cho biết: Vụ nuôi 2013, tình hình dịch bệnh đã bớt căng thẳng hơn, diện tích tôm thả nuôi bị chết có chiều hướng giảm. Khu vực nuôi tôm trên cát và nuôi tôm quảng canh cải tiến tại xã Xuân Đan, Nghi Xuân bệnh đang tái diễn vẫn chủ yếu là bệnh đốm trắng. Giá tôm cũng tăng và ổn định hơn, thị trường luôn thiếu nguồn tôm do tình hình thế giới cũng bị ảnh hưởng, nên tôm trong nước được giá. Nước cho nuôi tôm trên cát được lấy từ biển nên hạn chế được dịch bệnh so với hình thức nuôi quảng canh cải tiến.
Vẫn lo vụ mới
Cho tới thời điểm này, dịch bệnh đã có dấu hiệu giảm nhưng người nuôi chưa chủ động được thời gian, hình thức… để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi. Người nuôi còn tâm lý "được chăng hay chớ", hoàn toàn bị động và phụ thuộc thiên nhiên. Các hộ nuôi ở đây vẫn chủ yếu thả nuôi bằng kinh nghiệm tích lũy. Với ông Phong, khi chưa có cách điều trị triệt để dịch bệnh năm nay, người nuôi nên thả với mật độ thưa, thời gian giữa hai vụ cũng thưa, đặc biệt nên làm sạch đáy ao sau vụ nuôi chính để hạn chế vi khuẩn…
Bà Đặng Thị Thu Hoàn cũng cho rằng: Diễn biến thời tiết ngày càng xấu, trong khi mọi điều kiện nuôi trồng không có nhiều thay đổi, chưa có giải pháp cụ thể cho dịch bệnh hiện nay, trong khi tình hình nuôi tại Hà Tĩnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn như: dịch bệnh vẫn luôn rình rập, tiềm ẩn, nguy cơ xảy ra mọi nơi, mọi lúc, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu nuôi, cộng với số lượng giống đưa vào sử dụng từ bên ngoài chiếm 80%, nên công tác kiểm dịch còn hạn chế. Thời tiết miền Trung khắc nghiệt, nắng mưa đột ngột, khiến mực nước và độ mặn trong các ao nuôi thay đổi nhanh. Để hạn chế dịch bệnh, nên nuôi theo hướng an toàn sinh học, hạn chế tác động đến môi trường, vệ sinh sạch ao đầm, sử dụng chế phẩm sinh học an toàn và uy tín.
Theo ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, 6 tháng cuối năm, bệnh trên tôm vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; việc kiểm soát chất lượng tôm giống vẫn khó khăn, nhiều nguồn tôm trôi nổi còn lưu thông trên thị trường; giải pháp điều trị bệnh hoại tử gan tụy chưa được tuyên truyền sâu rộng, tình trạng thiếu vốn vẫn diễn ra... Trong khi các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan đang thiệt hại nặng về diện tích thì cơ hội cho Việt Nam hé mở. Cùng với việc nghiên cứu tìm nguyên nhân gây bệnh tôm, những mô hình nuôi thành công trong dịch bệnh, tuyên truyền sâu rộng về kết quả nghiên cứu hội chứng gan tụy trên tôm để các địa phương triển khai biện pháp giảm thiểu dịch bệnh cũng được triển khai mạnh. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, những hỗ trợ về vốn, bảo hiểm cho tôm nuôi, khoanh nợ, giãn nợ cho người nuôi phải được thực hiện triệt để, phát huy thế mạnh loài nuôi chủ lực...
>> Vụ tôm năm nay, Hà Tĩnh chủ yếu thả nuôi tôm thẻ chân trắng, với diện tích 2.050 ha, khoảng 380 triệu con giống. Dịch bệnh hoành hành trên tôm chủ yếu là bệnh đốm trắng; diện tích tôm bị bệnh chiếm 3%, khoảng hơn 80 ha. |