Hà Tĩnh: 'Cú hích' kinh tế từ các HTX thủy sản

Sau gần 7 năm đẩy mạnh phát triển, các HTX, tổ hợp tác (THT) thủy sản tỉnh Hà Tĩnh đang có những bước phát triển mạnh mẽ về cả chiều rộng lẫn chiều sâu, tạo ra những đột phá trong nuôi trồng, khai thác, phát huy các thế mạnh về thủy sản tại các địa phương.

Trong giai đoạn 2011 - 2017, Hà Tĩnh hình thành và duy trì hoạt động hiệu quả 20 HTX, 43 THT nuôi trồng thủy sản, 2 HTX nghề cá. Các HTX và THT đóng góp phần hình thành các vùng nuôi tôm tập trung, công nghệ cao, phát triển các mô hình thủy sản VietGAP…

Thúc đẩy sản xuất

Vai trò của các HTX thể hiện đậm nét tại các vùng nuôi tôm công nghệ cao trên cát như Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, hay nuôi tôm trong ao lót bạt ở Hộ Độ (Lộc Hà), Thạch Long (Thạch Hà), Kỳ Thư (Kỳ Anh)… với nhiều giống loài mới có năng suất và hiệu quả kinh tế cao như cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá điêu hồng, cá rô phi đơn tính giống mới.

Điển hình có HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành với tổng diện tích trên 12ha, với 31 hồ nuôi và 8 hồ ươm giống nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trên cát. HTX là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh áp dụng thành công nuôi tôm theo quy trình mới trong năm 2016, năng suất bình quân đạt 30 - 40 tấn/ha.

Anh Hồ Quang Dũng - Giám đốc HTX, cho biết: “HTX luôn bám sát ao nuôi, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật cao, xử lý kịp thời những tình huống xấu xảy ra. Năm 2017, năng suất tôm đạt bình quân 30 - 35 tấn/ ha, giá bán đạt 130.000 - 150.000 đồng/kg”.

HTX Sản xuất nông nghiệp và Thủy sản Lộc Hà đang có hệ thống trang trại sản xuất thủy sản quy mô 50 ha, với 23 ao nuôi. Doanh thu của HTX hiện đạt 2,4 - 3 tỷ đồng/tháng. Bình quân mỗi ngày, HTX bán ra 6 - 8 vạn con cá giống, lượng cá giống đã bán ra thị trường đã đạt 30 triệu con.

htx-thuy-san-9904-1530717691.jpg

Các HTX đang tạo “cú hích” cho ngành thủy sản tỉnh Hà Tĩnh

Phát triển theo chiều sâu

Với những thành công đã đạt được, Hà Tĩnh đang đẩy mạnh những chính sách hỗ trợ các HTX thủy sản phát triển bền vững. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng hỗ trợ HTX áp dụng công nghệ cao, các tiêu chuẩn, quy chuẩn để sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các HTX được tỉnh dành nhiều nguồn lực đầu tư. Đơn cử, HTX Thủy sản Diêm Hải (Thạch Hà) vừa trở thành 1 trong 4 HTX được lựa chọn để triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ, có trình độ đại học, về làm việc tại HTX.

Việc tăng cường đào tạo và bổ sung nhân lực trẻ trình độ cao đang góp phần nâng cao nội lực, gia tăng hiệu quả, phát triển sản xuất an toàn, an toàn vệ sinh lao động trong các HTX thủy sản tỉnh Hà Tĩnh.

Với các HTX hoạt động đánh bắt xa bờ, tỉnh đầu tư hỗ trợ đóng các tàu cá công suất lớn, đồng thời, mở các khóa đào tạo nâng cao trình độ các thuyền viên, hướng dẫn các phương pháp khai thác an toàn, cách xử lý các sự cố, giảm thiểu các rủi ro trên biển.

Sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu đang giúp các HTX thủy sản tại Hà Tĩnh gặt hái nhiều “quả ngọt”. Không chỉ giúp nâng cao đời sống, kinh tế của thành viên, người lao động, các HTX đang tạo nên một “cú hích” cho ngành thủy sản của tỉnh.

Hưng Nguyên/thoibaokinhdoanh.vn