Hà Tĩnh: Đa dạng hóa các hình thức hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam”
- Thứ năm - 09/03/2017 02:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hội ND Hà Tĩnh đưa các mặt hàng nông sản an toàn của tỉnh tham gia các Hội chợ |
Cùng với việc lồng ghép trong công tác Hội và phong trào nông dân, Hội Nông dân các cấp đã tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của các cấp chính quyền đưa cuộc vận động tới từng cán bộ, hội viên, nông dân.
Xác định tuyên truyền là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình triển khai cuộc vận động, trong thời gian qua Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch truyên truyền hàng năm gắn cuộc vận động vào công tác Hội và phong trào nông dân.
Qua nhiều hình thức khác nhau như hệ thống truyền thanh xã, phường; đài, báo, qua các buổi sinh hoạt chi hội, hội họp, tổ chức thi theo chuyên đề, tổ chức tọa đàm đối thoại với nông dân; tuyên truyền qua các ấn phẩm.
Hàng quý, Hội Nông dân tỉnh phát hành hơn 2.650 cuốn Bản tin về nhà nông Hà Tĩnh, qua trang Webtise của Hội các thông tin về thị trường, các mặt hàng nông sản, sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh cũng được đưa về tận cán bộ, hội viên, nông dân, từ đó nhận thức về sản phẩm chủ lực của tỉnh cũng như các sản phẩm trong nước được bà con nhân dân nhận thức và hiểu biết.
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Trung ương, tỉnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã quán triệt Hội Nông dân các cấp từ cán bộ, hội viên nông dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân và sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công, trang thiết bị văn phòng, công sở.
Hội cũng chú trọng công tác tuyên truyền thông qua các chương trình phối hợp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đối thoại, diễn đàn, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề phát hành bản tin tới tận các chi hội nhằm tăng cường thông tin phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Hội chủ động, tích cực trong phối kết hợp với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, các tổ chức phi chính phủ để tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ nhận thức cho hội viên, nông dân; giúp hội viên nông dân nắm bắt, hiểu biết các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các tổ chức, các chương trình dự án hỗ trợ kỹ thuật, cây con, giống, xây dựng các mô hình rau, nông sản an toàn, xây dựng cánh đồng mẫu, trồng rừng quy mô nhỏ, thành lập các tổ nhóm, tổ hợp tác xã chăn nuôi lợn, hươu, bò, gà... hướng dẫn giúp đỡ bà con nông dân có nhu cầu làm các thủ tục hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về mua máy móc phụ vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhằm tạo thuận lợi về vốn cho hội viên, Hội cùng Ngân hàng nông nghiệp PTNT, Ngân hàng CSXH, Qũy Hỗ trợ nông dân, Qũy giải quyết việc làm giúp nông dân có vốn để sản xuất, xây dựng các mô hình.
Hội luôn đóng vai trò trung tâm, nòng cốt và đồng thời đã lồng ghép phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi gắn với các chương trình, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do UBMTTQ, cấp ủy chính quyền các cấp phát động tạo sức mạnh cho sự phát triển của phong trào nông dân.
Từ đó, Hội Nông dân các cấp chú trọng phối hợp với các sở, ban, ngành, các ngân hàng, các tổ chức để huy động nguồn lực về vốn, kỹ thuật để xây dựng và phát triển kinh tế, vận động xây dựng hàng ngàn mô hình sản xuất như: Mô hình chăn nuôi lợn ở Vũ Quang; Hương Khê; Hương Sơn; Kỳ Anh; mô hình nuôi bò Thạch Hạ, nuôi bò nhốt ở Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê; Hương Sơn, Đức Thọ; mô hình trồng cây ăn quả ở Hương Khê; Vũ Quang; Hương Sơn; mô hình nuôi cá chẽm ở Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh; mô hình trồng rau an toàn ở Thạch Hà; Nghi Xuân; Cẩm Xuyên.....
Ngoài ra Hội còn là kênh tuyên truyền, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân tới thị trường, tới các nhà doanh nghiệp và tới người tiêu dùng. Nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã liên hệ, kết nối các doanh nghiệp tạo ra quy mô sản xuất lớn, xây dựng được thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng như: Cam bù, Nhung hươu (Hương Sơn); lợn ở Vũ Quang, Kỳ Anh; Can Lộc; rau ở Thạch Văn – Thạch Hà.
Đặc biệt qua hệ thống của hàng nông sản đóng tại trụ sở Hội Nông dân tỉnh, đã kết nối nhiều sản phẩm tới người tiêu dùng đảm bảo chất lượng như Gạo P6, Tám thơm Đức Thọ; gạo NA2 Thạch Ngọc; ruốc, mực, cá Cẩm Nhượng – Cẩm Xuyên và Thạch Kim – Lộc Hà; mộc nhĩ Cẩm Mỹ- Cẩm Xuyên; mật mía Sơn Thọ - Vũ Quang; Rau sạch ở Thạch Hà; TP Hà Tĩnh; Đức Thọ.
Trong năm 2016 Hội chú trọng đẩy mạnh xây dựng mô hình kinh tế, thành lập các tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất góp phần tạo ra những sản phẩm chủ lực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Hà Tĩnh cũng như kết nối tiêu thụ ra các tỉnh bạn cũng như xuất khẩu sang các nước trên thế giới.
Trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động, các cấp Hội còn tồn tại, hạn chế như: Một số cơ sở chưa đưa nội dung của cuộc vận động vào sinh hoạt chi hội, hoặc tuyên truyền còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên và quyết liệt; Kinh phí cho hoạt động tuyên truyền triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy chủ yếu qua lồng ghép nên nội dung tuyên truyền chưa sâu rộng, thiếu sự thuyết phục; Hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước mẫu mã, hình thức không đa dạng, thiếu tính thẩm mỹ, giá cả lại cao hơn hẳn hàng nhập khẩu từ các nước khác như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản... Hội chợ hàng Việt Nam dành cho vùng nông thôn, vùng biển, vùng sâu vùng xa chưa nhiều nên hàng hóa chưa tới tay được bà con nhân dân. Vì vậy nhận thức của bà con về hàng trong tỉnh, hàng sản xuất trong nước chưa cao.
Để phát huy hơn nữa Cuộc vận động, hàng năm, Ban Chỉ đạo cuộc vận động cần có kế hoạch tổ chức những gian hàng lưu động tới bà con vùng biển, vùng sâu vùng xa. Cần hỗ trợ các tổ nhóm sản xuất, xây dựng thương hiệu truy xuất nguồn gốc các sản phẩm quảng bá trên hệ thống thông tin báo chí truyền thông của Hội để Cuộc vận động ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn.