Hà Tĩnh: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2017

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ nông dân Hà Tĩnh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ nông dân Hà Tĩnh

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 15/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 17-CT/TU, ngày 14/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền năm 2017.
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với đô thị văn minh trong thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết 08-NQ/TU Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND, ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh về việc ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh năm 2017-2018; Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND, ngày 17/02/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2017-2020, thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Chỉ thị 17 - CT/TU ngày 14/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các nghị quyết, quyết định, chính sách mới của tỉnh về thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đặc biệt là tuyên truyền rõ 5 nội dung của Cuộc vận động: (1) Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng; (2) Đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, xây dựng gia đình văn hoá, phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái; (3) Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; (4) Đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; (5) Đoàn kết phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh.

Hai là, tập trung tuyên truyền về 19 tiêu chí nông thôn mới trong bộ tiêu chí quốc gia và 01 tiêu chí của tỉnh Hà Tĩnh về Khu dân cư kiểu mẫu; từ đó làm cho mọi người dân, các cấp, các ngành hiểu rõ nội dung của từng tiêu chí, căn cứ để xác định và công nhận tiêu chí, mốc thời gian thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới. 

Ba là, tuyên truyền về kết quả nổi bật và nguyên nhân thành công; những bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2016 (nhất là trong điều kiện tỉnh nhà gặp rất nhiều khó khăn, thách thức). Khẳng định Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới của Hà Tĩnh đã đi vào chiều sâu, thực chất và có bước tiến mới, nhanh, có nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu với cách làm chủ động, sáng tạo và lan toả nhanh trên diện rộng; tuyên truyền về các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện năm 2017.

Bốn là, kết hợp tuyên truyền xây dựng nông thôn mới với tuyên truyền các Chương trình MTQG và các chủ trương, chính sách đang được triển khai thực hiện tại nông thôn, các đô thị như: Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; các chủ trương, chính sách về việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; phòng, chống tội phạm; dân số và kế hoạch hóa gia đình; bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; về văn hóa; giáo dục và đào tạo…; đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học; kiên cố hóa kênh mương; phát triển đường giao thông nông thôn; phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, làng nghề; về xây dựng HTX kiểu mới...

Năm là, chú trong tuyên truyền các mô hình, nhân tố điển hình; các địa phương, đơn vị làm thực chất, hiệu quả bền vững, nhất là tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác, tự chủ của người dân về vai trò, trách nhiệm, quyết tâm và hành động tham tích cực vào xây dựng nông thôn mới; nhân rộng các điển hình tiêu biểu; tổ chức tham quan học hỏi lẫn nhau, tạo phong trào thi đua rộng khắp giữa các địa phương, thôn xóm… quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra.

Sáu là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả như: Tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể. Gắn tuyên truyền miệng với vận động trực tiếp các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, lực lượng nòng cốt là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thôn, bản và Ban Tuyên giáo xã, phường, thị trấn; tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục duy trì chuyên trang, chuyên mục và có nhiều hình thức đổi mới tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các tạp chí, bản tin trong tỉnh; Đài phát thanh -  truyền hình cấp huyện; Cổng thông tin điện tử, các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, trạm truyền thanh cơ sở của địa phương, đơn vị; tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Phát huy có hiệu quả đội thông tin lưu động của tỉnh, thông qua các tiểu phẩm sân khấu hóa về chủ đề xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tuyên truyền cổ động trực quan thông qua hệ thống các cụm panô, áp phích, bảng tin, băng cờ, khẩu hiệu, tranh cổ động để tuyên truyền tại các khu vực Trung tâm và khu vực đông dân cư; các xã  đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là các xã đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu.

Hà Tĩnh luôn coi công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm./.
Theo Trần Đình Hưng/tuyengiao.vn