Hà Tĩnh: Điểm Bưu điện Văn hóa xã - điểm sáng vùng nông thôn
- Thứ ba - 28/03/2017 23:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Thiết chế văn hóa” ở vùng nông thôn
Điểm Bưu điện Văn hóa xã (BĐ-VHX) là thành phần của mạng bưu chính công cộng được Nhà nước giao cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam duy trì và phát triển để cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của nhà nước, cung ứng các dịch vụ khác theo chiến lược kinh doanh của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Giờ đây, điểm BĐ-VHX vừa là điểm sinh hoạt cộng đồng, đọc sách báo miễn phí, duy trì các dịch vụ bưu chính truyền thống mà còn tham gia vào các dịch vụ hành chính công như: Chi trả lương hưu, trợ cấp, tiếp nhận, chuyển phát hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân, hồ sơ bảo hiểm xã hội.... góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan hành chính, tăng cường sự công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời tiết kiệm chi phí cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Kiên Cường – Giám đốc Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Trên địa bàn Hà Tĩnh, đã xây dựng được 234 điểm BĐ-VHX trên 278 xã, mạng lưới rộng, việc quản lý để các điểm BĐ- VHX gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của ngành Bưu điện, sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các cấp, cùng sự nỗ lực vượt khó của nhân viên BĐ-VHX tại địa bàn đã phần nào đáp ứng được các nhiệm vụ chính trị địa phương cũng như nhu cầu của nhân dân trên địa bàn xã.
Để vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ Bưu chính công ích đồng thời nâng cao hiệu quả mạng lưới bưu chính công cộng, góp phần tăng thêm thu nhập cho nhân viên điểm BĐ-VHX, Tổng công ty BĐVN, Bưu điện Hà Tĩnh đã mở rộng, phát triển thêm rất nhiều dịch vụ thuộc nhóm phân phối truyền thông như hàng tiêu dùng, xuất bản phẩm... về cung cấp tại điểm BĐ-VHX”.
Ông Cường cho biết thêm: Sau khi chia tách bưu chính viễn thông, do chưa nhận được quan tâm đúng mức nên nhiều điểm BĐ-VHX cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, trang thiết bị thiếu thốn, các chế độ đãi ngộ không thỏa đáng dẫn đến việc nhân viên các điểm BĐ-VHX chỉ xem công việc tại điểm BĐ-VHX là công việc phụ dẫn đến thái độ phục vụ không đúng mực làm suy giảm lòng tin của chính quyền địa phương cũng như nhân dân tại địa bàn xã.
Đến năm 2015, xác định rõ vai trò của điểm BĐ-VHX là đại diện cho ngành Bưu điện tại các địa bàn xã, thay mặt ngành phục vụ các nhiệm vụ chính trị của chính quyền địa phương cũng như nhân dân tại địa bàn nên việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị được tiến hành một cách đồng bộ.
Các điểm Bưu điện Văn hóa xã được xây dựng và đầu tư trang thiết bị ngày một khang trang, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đến giao dịch. |
Ông Cường vui mừng cung cấp thông tin: "Cho đến nay, gần 200 điểm BĐ-VHX được sửa chữa nhà cửa khang trang, năm 2015 có 14 điểm BĐ-VHX được chuyển đổi mô hình BĐ-VHX đa dịch vụ, được đầu tư trang thiết bị theo đúng tiêu chuẩn của Tổng công ty: Bảng hiệu nhận diện, bàn quầy, máy tính, máy in, máy scan, kệ bán hàng...; năm 2016 thêm 147 điểm được chuyển đổi thành điểm BĐ-VHX đa dịch vụ; quý I/2017 sẽ tiếp tục chuyển đổi 38 điểm và dự kiến chuyển đổi 100% trong quý IV/2017.
Việc chuyển đổi điểm BĐ-VHX thành các điểm BĐ- VHX đa dịch vụ đã hoàn toàn thay đổi bộ mặt của ngành Bưu điện tại các địa bàn xã, được sự đồng tình và đánh giá cao của chính quyền các cấp, cùng với đó việc đưa các dịch vụ hành chính công về phục vụ tại các điểm BĐ-VHX xã như cấp đổi hộ chiếu, giấy phép lái xe, chuyển phát CMND, chi trả lương hưu, chi trả trợ cấp xã hội... đã tạo uy tín lớn đối với nhân dân tại địa bàn.
Trong quá trình chuyển đổi mô hình các cơ chế đãi ngộ cho nhân viên điểm BĐ-VHX được nâng cao: hoa hồng các dịch vụ nâng cao như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khám sức khỏe... đã góp phần nâng cao thu nhập cũng như ổn định về mặt tư tưởng cho nhân viên điểm BĐ-VHX yên tâm thực hiện các công việc được giao”.
BĐ-VHX – gắn với xây dựng NTM và cải cách thủ tục hành chính
Năm 2015, Sở TT&TT tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2556 /QĐ-UBND ngày 2/7/2015 về việc phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm BĐ-VHX trên địa bàn Hà Tĩnh gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020 với kinh phí đầu tư lên đến 40 tỷ đồng. Trong đó, phía Bưu điện đối ứng 40% đã cho thấy sự ghi nhận của chính quyền địa phương các cấp, các sở ban ngành đối với sự cố gắng thay đổi của ngành Bưu điện trong việc đổi mới điểm BĐ-VHX.
Trong thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ trang bị xe bưu tá cho các điểm Bưu điện Văn hóa xã để thuận tiện hơn cho việc cấp phát. |
Trong bộ tiêu chí NTM, tiêu chí số 8 về Bưu điện đã được Sở TT&TTg tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn cho các sở ngành, địa phương liên quan hiểu rõ được vai trò của điểm BĐ-VHX trong việc phục vụ tại địa bàn.
Bên cạnh đó, Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo quyết định số 45/2016QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Bưu điện tỉnh lấy điểm BĐVHX làm trung tâm tạo thuận lợi cho người dân, giảm chi phí xã hội, tăng tính minh bạch khi người dân không phải tiếp cận trực tiếp với cơ quan nhà nước trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Với dự kiến xu thế phát triển của kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030 và của ngành Bưu điện đến năm 2030. Định hướng phát triển các điểm BĐVHX đến năm 2030: 100 % các điểm BĐ-VHX trở thành Bưu cục 3 hoặc có thể khai thác tất cả các dịch vụ như một Bưu cục 3. Trở thành điểm kết nối thật sự giữa chính quyền các cấp và người dân về các dịch vụ và trở thành trung tâm 1 cửa liên thông đến tất cả các ngành. Doanh thu tối thiểu đạt 100 triệu đồng/tháng/điểm.