Hà Tĩnh: Làm giàu nhờ vốn tín dụng chính sách
- Thứ ba - 31/07/2018 08:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 1998, sau một lần đi lặn biển, Phan Văn Hưởng (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) đã bị liệt hai chân. Chi phí chữa bệnh tốn hàng trăm triệu đồng, khiến gia đình anh khánh kiệt, nhưng không giúp anh khỏi hẳn, việc đi lại vẫn rất khó khăn.
Năm 2014, anh bắt đầu làm nghề mộc, nhưng do thiếu vốn, nên chỉ làm với quy mô nhỏ. Đến năm 2016, anh được vay ưu đãi 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua máy móc. Sau 2 năm, xưởng sản xuất của anh Hưởng đã được mở rộng hơn 200 m2, đem về thu nhập cho gia đình hơn 20 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động khác. Sắp tới, anh mong muốn tiếp tục được vay với số tiền lớn hơn để mở rộng sản xuất.
Vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp bà con nông dân đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi |
Không chỉ gia đình anh Hưởng, mà còn nhiều trường hợp khác đã thoát nghèo nhờ đồng vốn chính sách. Như trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Dục ở thôn Hà Trai, xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn. Gia đình bà Dục nằm trong diện hộ nghèo của huyện trong nhiều năm. Nhưng từ khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, bà đã đầu tư chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Gia đình bà chăn nuôi bò sinh sản, lợn rừng, gà, trồng cây ăn quả như cam, canh, bưởi. Đàn bò từ chỗ chỉ vài con, nay tăng đã tăng lên 20 con.
Cách đây ít lâu, bà Dục đã bán bớt một phần đàn bò, vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội để lấy vốn đầu tư trồng cam trên diện tích trang trại rộng 7 ha. Bà Dục ước tính, năm nay, vườn cam bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu và năm sau vụ cam sẽ cho thu nhập tốt.
Trong những năm qua, đã có hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Vốn ưu đãi đã giúp bà con đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các mô hình trang trại, không chỉ thoát nghèo, làm giàu cho chính mình, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Lưu Văn Minh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh cho biết, 15 năm qua, Ngân hàng đã cho hơn 614 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay tổng số gần 10.777 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến ngày 28/2/2018 là gần 4.066 tỷ đồng, tăng hơn 17 lần so với khi mới thành lập với gần 152.000 khách hàng.
Các chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất, góp phần tạo việc làm. Nhờ đó, gần 113.000 lao động có việc làm, 102.000 hộ thoát ngưỡng đói nghèo, trên 41.000 hộ cải thiện đời sống; gần 45.000 hộ có chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn... phát triển một số ngành nghề truyền thống như chế biến nước mắm ở huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, phát triển làng mộc ở Đức Thọ, nghề rèn đúc ở thị xã Hồng Lĩnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Theo thống kê, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 20,5% năm 2002, xuống còn 10,5% năm 2005 (theo tiêu chí giai đoạn 2000 - 2005); giảm từ 38,89% năm 2006 xuống còn 13,1% năm 2010 (theo tiêu chí giai đoạn 2006 - 2010). Gần đây nhất, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 11,4% đầu năm 2016, xuống 8,56% đầu năm 2017 (theo tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020).
Ông Lưu Văn Minh chia sẻ, để đạt được kết quả trên là nhờ có sự phối hợp của các ban, ngành, hội đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương trong việc thực hiện chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn phương thức làm ăn, cách sử dụng vốn cho hộ vay. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh cũng tập trung ưu tiên vốn cho các xã xây dựng nông thôn mới, các mô hình, dự án trọng điểm làm ăn có hiệu quả, nhờ đó, đồng vốn ưu đãi mang lại hiệu quả thiết thực.
Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu đạt mức tăng trưởng dư nợ bình quân tối thiểu 10%/năm, 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng, tổ chức tốt việc giao dịch tại xã, tỷ lệ giải ngân và thu nợ đạt trên 90%.n