Hà Tĩnh: Nhân rộng mô hình thâm canh vườn Cam đạt tiêu chuẩn VIETGAP

Để thay đổi tập quán canh tác, hướng tới nền sản xuất an toàn giúp cam Hà Tĩnh vươn tới những thị trường lớn, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh trong 2 năm liên tiếp (năm 2016 và năm 2017) đã xây dựng thành công mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” tại các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc và Thạch Hà.
Từ lâu, Hà Tĩnh đã nổi tiếng với các loại cam tên tuổi như: Cam Khe Mây (Hương Khê), Cam Vũ Quang, Cam Hương Sơn, Cam Thượng Lộc (Can Lộc),… bởi vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, tép mọng nước. Tại các địa phương này, cam đã và đang là nguồn thu nhập thu nhập chính của các hộ dân. Diện tích canh tác loại cây ăn quả này ngày càng được mở rộng, tính đến cuối 2015, diện tích canh tác cam của tỉnh đạt 3.378 ha.


Tuy nhiên, việc sản xuất cam của các nhà vườn còn đang theo hướng sản xuất truyền thống mạnh ai nấy làm và chủ yếu được tiêu thụ qua thương lái nhỏ lẻ. Do đó, chất lượng cam chưa được đồng đều, việc đưa thương hiệu cam phát triển ra thị trường lớn còn hạn chế nên cam Hà Tĩnh vẫn khó cạnh tranh với thị trường ngoại tỉnh.
 Nhằm định hướng phát triển cam bền vững đáp ứng yêu cầu thị trường, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình “Thâm canh cây cam theo VietGAP” với quy mô 3,7 ha; có 5 hộ tham gia tại vùng Trà Sơn (xã Mỹ Lộc và xã Thượng Lộc), huyện Can Lộc. Với một quy trình nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, sau 1 năm triển khai mô hình đã có sự thay đổi khó tin của các vườn cam tham gia thực hiện. Tại tất cả các vườn, cam đều trĩu quả, quả to đồng đều; vườn cam được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp và các hệ thống tưới tiêu, phun thuốc, bón phân,… được đồng bộ hóa và đặt đúng nơi quy định. Kết thúc mô hình, cả 5 nhà vườn cam tham gia mô hình đều được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ngoài ra còn thành lập được Tổ sản xuất cam VietGAP Trà Sơn, góp phần xây dựng cho thương hiệu cam Can Lộc có thể tiếp cận được thị trường tiêu thụ lớn.
Tiếp nối thành công của năm 2016, năm nay Trung tâm Khuyến nông nhân rộng mô hình tại huyện Vũ Quang, Hương Khê và Thạch Hà với quy mô 30 ha, 24 hộ tham gia. Trong đó, tại xã Đức Lĩnh - Vũ Quang có 10 ha, 10 hộ tham gia; xã Hương Đô - huyện Hương Khê có 10 ha, 7 hộ tham gia; xã Ngọc Sơn - Thạch Hà có 10 ha, 7 hộ tham gia. 
Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật sản xuất cam; được hướng dẫn, tổ chức sản xuất cam theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện sản xuất từ khi trồng, chăm sóc, chế biến và đóng gói sản phẩm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, trong quá trình triển khai mô hình, các chủ vườn còn được đi tham quan một số mô hình thành công ở trong và ngoài tỉnh. Sau một thời gian thực hiện mô hình, đầu tháng 11/2017 diện tích 30 ha cam này đã được tổ chức NHO cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Rất phấn khởi, anh Nguyễn Trọng Nhân - Một trong những chủ vườn cam thực hiện mô hình tại xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang - chia sẻ với chúng tôi: “Năm nay năng suất cao của gia đình tôi đạt 29 tấn/ha, cao hơn năm ngoái đến 9 tấn. Bên cạnh đó, được cấp giấy chứng nhận VietGAP là niềm ao ước của gia đình tôi bấy lâu nay. Nhờ đó giá bán cam năm nay từ 40.000 – 45.000 đồng/kg, cao hơn năm trước 5.000 -10.000 đồng/kg, lại có thương lái đến tận nơi để mua. Trừ đi các chi phí khác, gia đình tôi thu được hơn 700 triệu đồng/ha”.
Ông Phạm Trường An – Phó chủ tịch xã Ngọc Sơn cho biết: “Năng suất của các hộ tham gia mô hình đều đạt trên 25 tấn/ha, trong khi đó sản xuất của các hộ khác trong xã chỉ đạt từ 10 - 15 tấn/ha, đây là một mô hình điểm của xã; xã sẽ định hướng cho các hộ này duy trì sản xuất theo VietGAP bền vững trong các năm tiếp theo và nhân rộng ra các hộ sản xuất cam trong toàn xã; qua đó nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển nền kinh tế của xã”. 
Trong chuyến đi kiểm tra thực tế tình hình sản xuất cam trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh đã chỉ đạo: “Cần phải nhân rộng hơn nữa diện tích cam đạt tiêu chuẩn VietGAP, vì diện tích trồng cam tại Hà Tĩnh rất lớn và ngày càng mở rộng. Tính đến tháng 9/2017, trên địa bàn toàn tỉnh diện tích cam chanh là 5.093 ha, cam Bù 1.068 ha đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh có diện tích canh tác cam lớn trong cả nước nên cần phải xây dựng thương hiệu cho cam Hà Tĩnh, kết nối, mở rộng thị trường, tạo liên kết bền vững cho ngành sản xuất cam của tỉnh nhà”. 
Như vậy, chỉ sau 2 năm thực hiện thành công mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP”, thị trường tiêu thụ cam Hà Tĩnh đã có những bước phát triển vượt bậc. Doanh nghiệp Tân Thanh Phong, đại lý hoa quả lớn nhất Hà Tĩnh Tuyết Hùng, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Bảo Bảo Oganic, … đã tìm đến và làm việc với các chủ vườn đạt chứng nhận VietGAP về việc liên kết, thu mua sản phẩm. Ông Hà Tiến Dũng - Giám đốc DN tư nhân Tân Thanh Phong cho hay: “Thực tế cho thấy, nếu xây dựng được cam thương hiệu, đạt tiêu chuẩn VietGAP thì sẽ rất thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm với khối lượng hàng hóa lớn”.
Nhìn những vườn cam VietGAP sai trĩu quả, hệ thống khuôn viên vườn được dọn dẹp, ngăn nắp; các hệ thống tưới tiêu, phun thuốc, bón phân,… được đồng bộ hóa và đặt đúng nơi quy định; những khuôn mặt rạng rỡ của người dân khi cam được mùa, được giá,… trong mỗi chúng tôi đều tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng cho sản phẩm cam Hà Tĩnh ./. 
Thanh Hà
                                                            Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/