Hà Tĩnh: Sức vươn mạnh mẽ từ truyền thống
- Thứ hai - 02/09/2013 09:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hà Tĩnh xưa kia vốn là đất “phên dậu” của quốc gia Đại Việt, vùng đất khí hậu khắc nghiệt, đất đai cũng không phì nhiêu, nhiều thế kỉ là bãi chiến trường. Phải chăng chính điều kiện thiên nhiên không mấy thuận lợi đó đã tôi rèn nên phẩm chất con người Hà Tĩnh, người xứ Nghệ với trí thông minh, quả cảm, đức tính kiên cường, thẳng thắn, bộc trực mà tình sâu nghĩa nặng.
Trên mảnh đất này, ở thời nào cũng xuất hiện những danh nhân kiệt xuất, có nhiều đóng góp cho đất nước, quê hương, tên tuổi và sự nghiệp bất tử cùng với non sông. Từ Mai Thúc Loan, Nguyễn Biểu, Nguyễn Thiếp, Bùi Dương Lịch, Nguyễn Công Trứ, Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng, Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Đình Tứ…
Và còn nhiều, nhiều lắm những danh nhân tiêu biểu cho khí chất, phẩm chất con người xứ Nghệ, đã và đang làm rạng rỡ quê hương, đất nước.
Truyền thống yêu nước đã biến Hà Tĩnh thành một mảnh đất trung kiên, cái nôi của cách mạng. Trong Cách mạng tháng Tám, Hà Tĩnh là một trong bốn địa phương giành chính quyền sớm nhất cả nước.
Nói đến Hà Tĩnh, là nói đến mảnh đất giàu truyền thống văn hoá giàu bản sắc, với một sự kết tinh ở tầm cao và chiều sâu hiếm có. Truyền thống văn hoá ấy được thể hiện qua kho tàng văn hoá, văn nghệ dân gia vô cùng phong phú, mà hiện nay một trong những sản phẩm của nó là dân ca Ví Giặm đang trên lộ trình đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể địa diện của nhân loại.
Nền văn hoá ấy đã góp phần hun đúc nên văn tài của Đại thi hào Nguyễn Du - danh nhân văn hoá thế giới, với kiệt tác “Truyện Kiều” bất hủ.
Hà Tĩnh với biểu tượng núi Hồng sông Lam, vừa thơ mộng vừa hùng vĩ, tiêu biểu cho vẻ đẹp trong tính cách, tâm hồn con người xứ Nghệ. Mảnh đất này, có nhiều địa danh, mỗi khi nhắc đến đều gợi lên tình cảm yêu mến, với sức hấp dẫn lạ lùng: bãi biển Thiên Cầm, chùa Hương Tích, hồ Kẻ Gỗ, Hoành Sơn quan, khe nước sốt Sơn Kim, núi Tùng - bến Tam Soa…
Nhiều đặc sản của Hà Tĩnh đã trở nên nổi tiếng, ai cũng ao ước một lần được thưởng thức: chè xanh – kẹo Cu đơ, bưởi Phúc Trạch, thịt dê Hương Sơn, nhung hươu, hến Đức Thọ, nước mắm Cửa Nhượng, rượu Can Lộc…
Với tiềm năng lớn của truyền thống, Hà Tĩnh trong khoảng chục năm trở lại đây đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn đầu tư lớn nhất cả nước.
Phối cảnh Khu kinh tế Vũng Áng, khu vực thu hút đầu tư lớn của tỉnh.
Giai đoạn 2006-2010 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 9,6% (giai đoạn 2001 – 2005 là 8,6%/năm); khu vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chuyển biến nhanh, đóng góp trên 73% tăng trưởng kinh tế, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp - xây dựng từ 25,56% tăng lên 32,4%; thương mại - dịch vụ tăng từ 31,29% lên 32,6%; nông - lâm - ngư nghiệp từ 43,15% giảm xuống còn 35%.
Phong trào xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy (khóa XV), các đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và Nghị quyết 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XVI) từng bước đi vào cuộc sống, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Xã Gia Phổ, huyện Hương Khê được Trung ương chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của toàn quốc, tỉnh chọn 12 xã đại diện cho 12 đơn vị cấp huyện xây dựng thí điểm nông thôn mới. Đến nay có 19 xã đạt 10 tiêu chí trở lên.
Hà Tĩnh đang phấn đấu đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trên 14%; Cơ cấu GDP: công nghiệp - xây dựng 41,6%; thương mại - dịch vụ 40,3%; nông - lâm - ngư nghiệp 18,1%; 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; GDP bình quân đầu người trên 35 triệu đồng/năm; Thu ngân sách nội địa đạt trên 5.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu trên 280 triệu USD.
Với tiềm năng lớn về nhiều mặt, với nội lực của truyền thống, chúng ta có đủ niềm tin và hi vọng về một Hà Tĩnh khởi sắc trong tương lai.
Quang Hiển
Nguồn tamnhin.net
Nguồn tamnhin.net