Phát triển kinh tế hàng hóa
Không phải ngẫu nhiên mà Ban chỉ đạo NTM Trung ương đánh giá cao cách làm sáng tạo của Hà Tĩnh, đồng thời đề nghị các tỉnh khác học tập theo. Để có được sự ghi nhận đó, 6 năm qua cả hệ thống chính trị của Hà Tĩnh đã xây dựng lộ trình thực hiện bài bản, dám nghĩ, dám làm những việc có thể gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Từ đó tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc hình thành các mô hình tốt, cách làm hay. Mô hình trồng cây ăn quả của ông Ngô Xuân Linh, xã Sơn Mai (Hương Sơn) là một điển hình như thế.
Năm 2004, vợ chồng ông Linh thuê gần 11ha đất đồi hoang trồng cây ăn quả, thông qua các chính sách kích cầu hỗ trợ phát triển sản xuất, vợ chồng ông Linh vay vốn mở rộng lên 20ha, trồng gần 10.000 gốc cam, hiện đã có 7ha cho thu hoạch, dự kiến năm 2017 sẽ có thêm 5ha cho quả, bình quân mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Từ vùng đất cát hoang hóa bạc màu ven biển các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân…, TCty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh ứng dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất, từ đó tạo thành vùng rau củ quả chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.
Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 11.965 mô hình sản xuất, kinh doanh có doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/năm. |
Gần 100ha đất cát bạc màu tại xã Thạch Văn (Thạch Hà) 3 năm nay quanh năm xanh mướt cây trái; bình quân mỗi ngày cung ứng khoảng 5 tấn rau củ quả các loại. Thời điểm chính vụ (tháng 9 đến tháng 2 dương lịch năm sau) có khoảng 20 - 25 loại rau củ quả được thu hoạch; trái vụ (tháng 3 - 8) có 15 - 20 sản phẩm.
Hiện hai nhóm sản phẩm đang được phát triển mạnh tại Thạch Văn là rau an toàn như bí hồ lô, mướp đắng, mướp ngọt, dưa chuột, cà chua, bí xanh, ớt, cà rốt, măng tây... và nhóm cây ăn quả gồm ổi, dưa hấu, dưa lê, thanh long, xoài, táo, mít...
Tỉnh đầu tiên xây dựng tiêu chí 20
Cùng với việc thực hiện 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia, Hà Tĩnh sáng tạo thêm tiêu chí thứ 20: Xây dựng khu dân cư (KDC) NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, đã tạo nên nhiều dấu ấn trên vùng đất được mệnh danh “chảo lửa, túi mưa”.
Sau gần 3 năm triển khai, toàn tỉnh đã có trên 1.000 KDC NTM kiểu mẫu được hình thành. Thôn Nam Trà, xã Hương Trà (Hương Khê) sau khi thực hiện xây dựng KDC kiểu mẫu, 100% hộ gia đình đã sắp xếp, chỉnh trang lại nhà cửa, trồng mới hàng rào xanh, bê tông đường làng, ngõ xóm, di dời các chuồng trại chăn nuôi...
Các hộ dân còn trồng trên 15.000 mét hàng rào xanh chè mạn hảo nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Từ đó, KDC NTM kiểu mẫu trở thành địa chỉ tham quan học tập lý tưởng cho nhiều đoàn khách.
Cùng với thôn Nam Trà nhiều địa phương khác cũng đã xây dựng thành công mô hình này như: Thôn Thành Tiến, xã Xuân Thành; thôn 7, Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân); thôn Tân An, Cẩm Bình; Yên Mỹ, xã Cẩm Yên (huyện Cẩm Xuyên); thôn Châu Trinh, Tùng Ảnh (Đức Thọ) …
Đối với mô hình vườn mẫu, từ mô hình thí điểm ban đầu, đến nay toàn tỉnh đã có trên 2.000 vườn mẫu, cho thu nhập 50 - 120 triệu đồng/vườn/năm. Việc xây dựng vườn mẫu làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, kết nối thị trường; khai thác hiệu quả tiềm năng đất vườn và lao động nhàn rỗi. Nhiều mô hình vườn mẫu trở thành các điển hình ngày càng được nhân rộng ...
Học tập kinh nghiệm từ Hà Tĩnh, một số tỉnh như Lào Cai, Quảng Nam, ... cũng đã xây dựng, ban hành tiêu chí 20 nhằm nâng cao chất lượng Chương trình NTM.
Theo Thanh Tâm - Ngô Thắng/nongnghiep.vn