Hà Tĩnh công bố quy hoạch chế biến lâm sản

Ngày 1/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp báo cáo quy hoạch phát triển chế biến lâm sản trên địa bàn giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030.

 

Hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 509 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có đến 314 (chiếm 62%) cơ sở chưa có giấy phép kinh doanh; các cơ sở chủ yếu chế biến nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, phát triển tự phát và phân bố tập trung ở các huyện có diện tích rừng lớn như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Kỳ Anh…Bình quân tổng công suất chế biến trên 620 nghìn m3/năm; giá trị SX đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Việc thiêu thụ, phát triển, quản lý chế biến lâm sản thiếu chặt chẽ và tự phát như trên đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình quản lý, bảo vệ rừng, thậm chí dẫn đến nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng. Để đẩy mạnh phát triển chế biến lâm sản thành mũi nhọn kinh kế của ngành, tỉnh Hà Tĩnh đề ra phương án từ nay đến 2020 giảm cơ sở chế biến gỗ xuống 296 cơ sở, thu hút khoảng trên 6.300 lao động với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Điều kiện để các cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản hoạt động: Đặt cách ranh giới rừng tự nhiên tối thiểu 3km; có giấy phép kinh doanh; đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định; an toàn vệ sinh môi trường; có phương án SX kinh doanh phù hợp với công suất thiết kế. Tiến tới tháo dỡ các cơ sở cưa xẻ không đảm bảo điều kiện kinh doanh; chấm dứt việc xuất khẩu dăm gỗ thô vào năm 2015. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến ván bóc, ván ép; làng nghề mộc gia dụng; cơ sở chế biến tổng hợp…nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận kinh tế; chấm dứt tình trạng chế biến, tiêu thụ lâm sản trái phép.

Được biết, từ nay đến 2020 Hà Tĩnh phấn đấu đưa giá trị SX, chế biến lâm sản đạt trên 4 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,5%/năm. Đến 2030 phát triển ngành chế biến lâm sản trên địa bàn theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.

Thanh Nga
Báo Nông nghiệp Việt Nam