Hà Tĩnh phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp
- Thứ hai - 31/08/2015 21:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh chính thức được ban hành tại Quyết định số 1373/QĐ-UBND ngày 19/5/2014; cùng với Đề án, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, định hướng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ những giải pháp đồng bộ này mà thời gian qua nông nghiệp Hà Tĩnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ: tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất, tăng giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; hình thành mới hơn 7.700 mô hình có hiệu quả, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ, chất lượng tăng trưởng nông, lâm, thủy sản, bình quân giai đoạn 2011-2014 đạt 6,19%/năm (bình quân cả nước 3,12%/năm), 6 tháng đầu năm 2015 đạt 7,47% (cùng kỳ năm 2014 là 3,94%, bình quân cả nước 2,36%), nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn (năm 2014, bình quân đạt gần 20 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2010), tăng thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, mức độ đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới đều tăng lên, bình quân đạt gần 12,08 tiêu chí/xã (tăng 8 tiêu chí/xã), đã có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến 30/6/2015 không còn xã dưới 7 tiêu chí, dự kiến đến cuối năm 2015 có ít nhất 49 xã (trên 20%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo quyết liệt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới. |
Ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh một người đã có nhiều năm lăn lộn với việc chỉ đạo phong trào xây dựng nông thôn mới cho biết: Để đạt mục tiêu giai đoạn 2016-2020 với tốc độ tăng trưởng nông lâm, thủy sản trên 5%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích đạt trên 135 triệu đồng/ha; cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm trên 60%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 65 triệu đồng/người/năm..., Sở đã tham mưu cho Tỉnh tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất: Ban hành Chương trình, Kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 27-KL/TU ngày 12/6/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Thứ hai: Ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, công nghệ cao vùng ven biển và vùng đồi, rừng, trong đó: Vùng ven biển: Tập trung cho phát triển nuôi tôm, cá bơn, cá mú, sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao... Xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa ven biển (đã hình thành bước đầu) và kêu gọi doanh nghiệp mạnh vào đầu tư. Vùng đồi, rừng: Phát triển mạnh chăn nuôi lợn, bò thịt chất lượng cao, bò sữa, hươu, cam, bưởi Phúc Trạch… Xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên vùng đồi, núi (do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư).
Thư ba: Tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển các chuỗi liên kết sản xuất đã và đang hình thành, đi vào chiều sâu, phát triển bền vững, như: Chuỗi sản phẩm lợn, bò thịt chất lượng cao, nhung hươu, rau củ quả trên cát, cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, cỏ)... Đồng thời, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất tập trung, tạo quỹ đất, ưu tiên cho các dự án, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, công nghệ cao.
Thư tư: Khuyến khích mạnh mẽ ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất thông qua doanh nghiệp, tạo sự đồng nhất về giống, công nghệ sản xuất, để tạo sản phẩm quy mô lớn, đồng nhất. Ưu tiên thỏa đáng cho việc đưa các giống, công nghệ cao, công nghệ sinh học, nhất là từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, phát triển các cơ sở bảo quản, chế biến gắn với vùng nguyên liệu (súc sản, rau củ quả, thủy sản, nhung hươu, chế biến sâu sản phẩm gỗ, thức ăn chăn nuôi…),
Thư năm: Tổ chức lại sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, theo hướng khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển kinh tế hợp tác, tích cực hỗ trợ hộ nông dân phát triển đa dạng các loại hình liên kết với doanh nghiệp; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các chuỗi liên kết quy mô vừa và nhỏ; quan tâm giải quyết hài hòa lợi ích của các khâu trong chuỗi liên kết, nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thư sáu: Thực hiện tốt việc khảo sát, dự báo thị trường để khuyến cáo các doanh nghiệp, HTX, THT, hộ nông dân điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường; xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh; phát triển chuỗi cửa hàng nông sản của tỉnh trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là tại các trung tâm lớn như KKT Vũng Áng, các thành phố, trung tâm thương mại…
Thứ bảy: Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh đã ban hành; đồng thời, định kỳ rà soát, đánh giá, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, hướng tập trung vào một số định hướng chủ yếu: Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nông thôn; Hỗ trợ chuyển giao khoa học và công nghệ, đặc biệt là khâu giống, quy trình sản xuất công nghệ cao, công nghệ bảo quản, chế biến; Hỗ trợ liên kết sản xuất, ưu tiên cho sản xuất quy mô vừa và nhỏ; Hỗ trợ khai thác lợi thế của 2 vùng còn dư địa phát triển lớn là: Vùng ven biển và vùng đồi, rừng; Hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất (tích tụ, tập trung ruộng đất); Hỗ trợ sử dụng có hiệu quả ruộng đất (chuyển đổi đất kém hiệu quả, đất bỏ hoang, đất 1 vụ…); Ưu tiên sản phẩm Hà Tĩnh đặc biệt có lợi thế, như: Lợn, bò, tôm, hươu, rau củ quả, cam, bưởi Phúc Trạch…
Với cách làm mới và hướng đi đúng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chắc chắn nông nghiệp Hà Tĩnh sẽ có những bước phát triển vượt bậc trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần đưa Hà Tĩnh một tỉnh giàu truyền thống cách mạng trong kháng chiến trở thành một điểm sáng của cả nước trong phát triển kinh tế trong những năm tới.
Anh Tuấn
theo vietnamnet