Hà Tĩnh tạo nền tảng phát triển bền vững
- Thứ tư - 14/10/2015 21:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tạo bứt phá cán đích sớm
Với Hà Tĩnh, vùng đất với thiên tai khắc nghiệt, hai từ “tỉnh nghèo” nhiều năm nay vẫn đeo đẳng mỗi khi nhắc đến địa danh này. Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, Hà Tĩnh đã tìm được hướng đột phá chính là thu hút đầu tư, đến nay hiệu quả ngày càng rõ nét. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Kim Cự cho biết: Cả nước có 13 Khu kinh tế (KKT) trọng điểm thì Hà Tĩnh có hai KKT. Trong đó, Vũng Áng được thành lập cách đây mới chín năm, nhưng đã sớm khẳng định là KKT động lực của khu vực miền trung. Tại đây, có ba lĩnh vực sản xuất được đánh giá là đứng đầu cả nước, đó là điện năng, luyện thép và dịch vụ cảng biển nước sâu. Các nhà máy nhiệt điện có tổng công suất khoảng bảy nghìn MW. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất 1.200 MW) do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư đã hòa lưới điện quốc gia năm 2014. Bốn tổ hợp điện, than và khí của Tập đoàn Formosa đang được xây dựng. Tổ máy số 1 đã hòa lưới điện tháng 5-2015. Các Tập đoàn Samsung, Mitubishi đang chuẩn bị các bước dự án để sớm khởi công đầu tư Nhiệt điện Vũng Áng 2, 3 và 4. Tập đoàn Formosa đang đẩy nhanh tiến độ thi công các lò cao để cuối năm 2015 có sản phẩm thép và đầu năm 2016 chính thức đi vào sản xuất. Sau khi kết thúc giai đoạn 1 (10 triệu tấn sản phẩm/năm), Formosa sẽ nâng công suất lên 22 triệu tấn sản phẩm/năm và trở thành nhà máy sản xuất thép lớn nhất Đông - Nam Á. Đồng thời, chủ đầu tư đã hoàn thành 7/11 bến cảng nước sâu đầu tiên, trong đó có hai bến cảng đón tàu 200 nghìn tấn. Ngày 1-10 vừa qua, Formosa đã đón tàu FPMC B108 (quốc tịch Li-bê-ri-a), tải trọng gần 100 nghìn DWT, chở than vào bến S1. Đây là tàu chở hàng rời có tải trọng lớn nhất lần đầu vào khu vực miền trung, tạo sức hút của hệ thống cảng biển nước sâu Sơn Dương - Vũng Áng…
Có KKT Vũng Áng, cả vùng đất Hoành Sơn “khô kiệt” và vùng ven biển Kỳ Anh hoang sơ bây giờ “lột xác” bởi hàng trăm nhà máy. Đường nét của một đô thị hiện đại đang xuất hiện. Quốc hội đã nhất trí điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh và thành lập thị xã Kỳ Anh với 12 đơn vị hành chính, tạo thành một đô thị công nghiệp hiện đại trong tương lai, mà trung tâm là KKT Vũng Áng.
Trong khó khăn chung, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã tạo nên sự tăng trưởng nhanh, khẳng định sự bứt phá của miền quê giàu truyền thống cách mạng. Nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội trong 5 năm qua cao hơn bình quân của khu vực và cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt hơn 19%, riêng năm 2015, tăng hơn 26%; các nguồn lực được huy động tối đa để ưu tiên cho đầu tư phát triển đạt 287 nghìn tỷ đồng trong nhiệm kỳ, cao hơn 10 lần so với 5 năm trước; trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm hơn 71%. Kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông... được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện, đặc biệt là hạ tầng các KKT, khu công nghiệp và hạ tầng giao thông, như: Quốc lộ 1, quốc lộ 8, quốc lộ 15, đường ven biển... Trong 5 năm qua, Hà Tĩnh đã xây dựng được hơn tám nghìn km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa gần một nghìn km kênh mương nội đồng, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy là một tỉnh nông nghiệp, nhưng hiện nay, cơ cấu nông nghiệp ở tỉnh chỉ chiếm 16,31%; công nghiệp, dịch vụ chiếm 83,69%. GDP bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/năm… Với những kết quả này, Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành về đích trước một năm các chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2010-2015.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Cách đây 5 năm, Hà Tĩnh thu ngân sách chưa đầy hai nghìn tỷ đồng/năm. Năm 2015, thu ngân sách của tỉnh ước đạt khoảng 15 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 7,6 lần so với đầu nhiệm kỳ. Năm 2014, đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Hà Tĩnh sang Xin-ga-po xúc tiến đầu tư và đã ký được các hợp đồng quan trọng. Doanh nghiệp Xin-ga-po đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị khởi công cầu số 5 và số 6 cảng Vũng Áng. Trưởng ban Quản lý KKT Hà Tĩnh Hồ Anh Tuấn cho biết: Tỉnh đã thu hút 426 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký hơn 22 tỷ USD. Trong đó, 64 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký 20 tỷ USD; riêng KKT Vũng Áng thu hút 49 dự án với vốn đăng ký hơn 17 tỷ USD... Hà Tĩnh là một trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước trong thu hút đầu tư.
Tập trung phát triển công nghiệp, Hà Tĩnh đồng thời ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh đã dành hàng trăm tỷ đồng để “kích cầu”, hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi suất… cho nông nghiệp, nông thôn. Cùng với công tác quy hoạch, Hà Tĩnh đã công bố 13 sản phẩm chủ lực (cây trồng, vật nuôi) để khuyến khích đầu tư. Đó chính là thể hiện sự lo lắng một cách căn cơ, tái cơ cấu kinh tế một cách hợp lý và bền vững, tránh tình trạng “tỉnh giàu, dân nghèo”. Nhiều mô hình và sản phẩm đang thành công cho hiệu quả kinh tế cao, như phát triển đàn lợn siêu nạc công nghệ Thái-lan, bò thịt chất lượng cao theo hình thức vừa tập trung vừa phân tán, nuôi tôm trên cát, nuôi và chế biến sản phẩm nhung hươu, trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên cát “sa mạc” ở dọc các huyện ven biển cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha… Kích cầu hỗ trợ vốn đầu tư và có chính sách đúng về liên kết, doanh nghiệp hóa đã thu hút người dân từ vùng đồng bằng đến miền núi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tại huyện miền núi Vũ Quang, trong bốn năm, người dân đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng phát triển gần một nghìn mô hình kinh tế (chủ yếu trồng cam, chăn nuôi lợn, bò…) cho thu nhập cao. Đến nay, sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh đang từng bước trở thành nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, với 8.200 mô hình sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng/năm. Đây là hạt nhân để xây dựng thành công nông thôn mới (NTM). Đến nay, Hà Tĩnh đã có 52 xã đạt chuẩn NTM, chiếm gần 23% tổng số xã.
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 23%/năm; đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng hơn 56%; dịch vụ hơn 34%; nông, lâm nghiệp, thủy sản dưới 10%; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng (khu vực nông thôn đạt 65 triệu đồng); thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 46 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa trên 24 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên năm tỷ USD, tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%... Bàn về định hướng phát triển trong những năm tới, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết: Để đạt được các mục tiêu nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị của tỉnh, trong 5 năm tới, Hà Tĩnh sẽ tập trung ba nhiệm vụ đột phá, là: đa dạng hóa huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng KKT Vũng Áng sớm trở thành KKT động lực có tầm cỡ quốc gia, quốc tế; phát triển nhanh các ngành công nghiệp nặng, cơ khí, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, thực hiện đồng bộ cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện. Đầu tư phát triển các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại gắn với xây dựng NTM; phát triển dịch vụ thương mại, du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và liên kết vùng. Tuy nhiên, để phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, Hà Tĩnh vẫn phải đối mặt nhiều thách thức. Theo đánh giá của các chuyên gia, mức thu nhập GDP tính theo đầu người của tỉnh cao so với khu vực nhưng đang thấp so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm xã hội đạt cao, nhưng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Đầu tư phát triển hệ thống các đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển của tỉnh. Một số dự án triển khai chậm tiến độ. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ có năng lực tài chính và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến sâu nông, lâm, thủy hải sản. Hạ tầng phục vụ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp trong tỉnh dựa trên khai thác lợi thế so sánh của tỉnh còn hạn chế.
Để phát triển bền vững, cùng với duy trì tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo môi trường thuận lợi phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch. Từ nền tảng vững chắc đạt được trong thời gian qua, Hà Tĩnh tự tin bước vào nhiệm kỳ mới, với quyết tâm mới, triển vọng mới.
theo nhandan.org.vn