Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, huy động tối đa các nguồn lực
- Thứ tư - 15/08/2018 08:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh trong thời gian qua. Vượt qua những khó khăn do sự cố môi trường biển gây ra, Hà Tĩnh đưa kinh tế năm 2017 tăng trưởng trở lại (tăng 10,71%). Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng 32,94% (gấp gần 4,5 lần cả nước); công nghiệp, xây dựng tăng 95,61% (gấp hơn 10 lần cả nước); khu vực nông lâm, thủy sản tăng trên 5,54% (cao hơn nhiều so với bình quân cả nước); thu ngân sách nhà nước đạt gần 70% dự toán (cả nước đạt 49,4%), tăng 57,5% cùng kỳ (cả nước tăng 14,3%); giải ngân đạt 61,43% dự toán. Quy mô kinh tế tăng nhanh, từng bước đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước.
Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân ổn định, thực hiện tốt chính sách người có công. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 12 bậc trong 2 năm 2016-2017, xếp thứ 10 về phát triển Chính phủ điện tử năm 2017...
Tuy vậy, tình hình kinh tế-xã hội của Tỉnh tăng trưởng dựa chủ yếu vào sản xuất thép; thương mại, dịch vụ, du lịch chưa được quan tâm đúng mức; số doanh nghiệp trên địa bàn còn ít (bình quân 300 người dân/1 doanh nghiệp, cả nước là 170 người dân/1 doanh nghiệp); chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) có cải thiện, nhưng chỉ số "trách nhiệm giải trình với người dân" tụt 18 bậc (từ thứ 33/63 xuống thứ 51/63)...
Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh phải phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã đề ra trong giai đoạn 2016-2020, bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm, mọi người dân phải được hưởng lợi từ phát triển kinh tế, không ai bị bỏ lại phía sau; tập trung rà soát đánh giá toàn diện định hướng phát triển, gắn với điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội, chú trọng thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước.
Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính các cơ quan chính quyền các cấp, tạo sức mạnh tổng hợp phát triển kinh tế-xã hội; giải quyết kịp thời ý kiến, phản hồi của người dân, doanh nghiệp và công khai kết quả xử lý, giải quyết; phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm công tác quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng dư luận trong nhân dân, không để xảy ra điểm nóng.
Tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đi vào chiều sâu, bền vững; xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với việc sắp xếp lại các thôn, xóm; thực hiện đồng bộ các giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII.
Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tạo điều kiện để Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hoạt động đúng quy định; đồng thời, giám sát chặt chẽ về môi trường; xử lý tro xỉ gang thép và nhiệt điện.
Theo Phương Nhi/baochinhphu.vn