Hà Tĩnh xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể không chấp hành công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi
- Thứ ba - 04/06/2019 21:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra và trao đổi với chính quyền xã Thạch Văn về
công tác tiêu độc khử trùng tại chốt kiểm dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã đến kiểm tra công tác tiêu độc khử trùng tại chốt kiểm dịch thuộc xã Thạch Hội và Thạch Văn (huyện Thạch Hà). Đây là các địa phương giáp ranh với các vùng có dịch trên địa bàn tỉnh; nguy cơ xâm nhiễm và bùng phát dịch đang ở mức rất cao.
Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá khá cao công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại địa phương. Đặc biệt, là công tác tiêu độc khử trùng tại các chốt kiểm dịch có lượng phương tiện lưu thông lớn; tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi để người dân hiểu và tự giác thực hiện đúng các biện pháp phòng chống dịch.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh phun tiêu độc khử trùng các xe trước khi đi
thực địa tại khu vực giáp ranh vùng dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định: “Hiện nay, có 53 tỉnh, thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi và đã tiêu huỷ hơn 2,2 triệu con lợn nhiễm bệnh, gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi.
Tại Hà Tĩnh, hiện nay đã xuất hiện 4 ổ dịch. Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Bởi vậy, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, trang trại, hộ chăn nuôi ráo riết thực hiện đồng thời nhiều giải pháp đã có trong kịch bản dự báo của các cấp, ngành; đảm bảo phòng chống dịch với hiệu quả cao, hạn chế quy mô lây lan ở mức độ thấp nhất.
Đoàn kiểm tra chốt tiêu độc khử trùng tại xã Thạch Hội - địa phương giáp ranh
vùng có dịch tại huyện Cẩm Xuyên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị các địa phương thực hiện đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”. Đối với các địa phương đã có dịch phải kiểm soát hoạt động chăn nuôi, phòng bệnh từ hộ gia đình; thực hiện nghiêm túc khâu tiêu độc, khử trùng tại các điểm chốt chặn; hạn chế tối đa việc lưu chuyển con người từ địa phương có dịch đi sang các địa bàn khác.
Cùng với các giải pháp quyết liệt, các cấp chính quyền cần khuyến cáo người dân tích cực giảm đàn, giải phóng đàn lợn trước khi dịch lây lan, không tái đàn vào lúc này; không mua lợn giống không rõ nguồn gốc. Đây là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế cao nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.
Đặc biệt, các cơ quan truyền thông tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền về dịch tả lợn châu Phi, khuyến khích người dân tiêu dùng thịt lợn; chung tay, đồng hành cùng người dân và các cấp chính quyền vượt qua “bão” dịch.
“Phòng chống dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong thời điểm hiện nay. Các địa phương, đơn vị liên quan huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị triển khai các biện pháp để phòng ngừa, hạn chế lây lan dịch trên địa bàn. Tiến hành xử lý nghiêm, đúng quy định với những cá nhân, tập thể không thực hiện tốt chỉ đạo của chính quyền các cấp; lơ là, chủ quan, thiếu ý thức chấp hành trong công tác phòng chống dịch” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định.
Theo Thái Oanh/baohatinh.vn