Hài hòa lợi ích ngân hàng với phục vụ phát triển KT-XH địa phương
- Thứ sáu - 05/01/2018 11:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các ngân hàng đã kết hợp hài hòa giữa mục tiêu kinh doanh với việc phục vụ phát triển KT-XH, nhất là đầu tư tín dụng vào các chương trình, dự án, mở rộng nguồn vốn cho vay đến các thành phần kinh tế, giúp dòng tiền lưu thông hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng chung. Hiện nay, quy mô tổ chức hệ thống ngân hàng ngày càng lớn mạnh sẽ là kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, dân cư cũng như tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hà Tĩnh tiếp tục là đầu mối quan trọng, chỉ đạo các TCTD mở rộng nguồn vốn cho vay, hài hòa cơ cấu giữa tín dụng tiêu dùng và đầu tư cho doanh nghiệp, các dự án, chương trình lớn của tỉnh. Trong đó, ưu tiên cao nhất cho lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp - nông thôn; đầu tư công nghệ cao… nhằm tạo sự tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế cũng như chất lượng tín dụng. Cùng với đó là linh hoạt các cơ chế, chính sách cho vay, thông thoáng nhưng an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, các ngân hàng cần thay đổi từ cách thức tiếp cận đầu tư; phát huy hơn nữa kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp; kết nối đầu tư, thông qua đầu tư nguồn vốn tín dụng, có thể mời gọi đối tác, các doanh nghiệp đầu tưu trên địa bàn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho các Phó giám đốc NHNN tỉnh: Trần Hữu Cần (bên phải) và Lê Đức Tuấn
Trong năm 2017, các ngân hàng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc, có kết quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, thanh toán, góp phần thực hiện các chính sách vĩ mô của Nhà nước. Tổng huy động nguồn vốn đạt 42.232 tỷ đồng, tăng 23,5% so với đầu năm, vượt kế hoạch 8,5%.
Nguồn vốn huy động VND chiếm hơn 97% tổng nguồn vốn huy động; nguồn tiết kiệm dân cư chiếm 82% tổng nguồn vốn. Doanh số cho vay cả năm đạt 58.650 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 38.720, tăng 17% so với đầu năm. Nguồn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; chất lượng tín dụng tương đối tốt, nợ xấu nằm trong giới hạn cho phép.
PGĐ Agribank Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Tâm: Dư địa và cơ cấu dư nợ của Chi nhánh là mặt trận tam nông. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục có chính sách khuyến khích sản xuất, nhất là lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo động lực cho tín dụng nông nghiệp phát triển, cũng là phát triển sản xuất ở vùng nông thôn
Hệ thống ngân hàng, TCTD trên địa bàn cũng tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng và cho vay các chương trình trọng điểm. Số khách hàng được HTLS là 277 khách hàng với doanh số cho vay được hỗ trợ là 119.928 triệu đồng, lãi hỗ trợ là 31.799 triệu đồng. Dư nợ đến 31/12/2017 đạt 904,44 tỷ đồng.
Một số chính sách đã đi vào cuộc sống như: Quyết định 1822/QĐ- UBND, Quyết định 12/QĐ- TTg, Nghị định 67; cho vay theo chương trình xây dựng nông thôn mới… Nguồn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, đạt 4.091 tỷ đồng, chiếm 11,2% tổng dư nợ toàn đại bàn.
GĐ Vietcombank Hà Tĩnh - Phan Viết Phong: Việc giải quyết nợ xấu của ngân hàng theo NQ 42 vẫn gặp khó khăn trong thực hiện quyền thu giữ tài sản
Mạng lưới các TCTD ngày càng được mở rộng, gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ trực tuyến. Công tác thanh toán phát triển, đáp ứng nhu cầu thanh toán của thành phần kinh tế và dân cư. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ được tăng cường. Tỷ lệ nợ xấu thấp…
Lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh: Đề nghị tỉnh điều tra, bổ sung hộ nghèo, cận nghèo nhất là sau thiên tai, bão lụt để nhiều đối tượng được tiếp cận vốn chính sách hơn
Năm 2018, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh hoạt động huy động vốn để đáp ứng cho vay tại địa phương, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Tập trung vốn ưu đã đầu tư dự án lớn, trọng điểm. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng nguồn huy động tăng 18- 20%; dư nợ tăng 17- 18%; tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2%...
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn