Hệ thống ngân hàng phải tiếp cận, vận hành phù hợp với địa bàn
- Thứ bảy - 15/10/2016 10:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tính đến ngày 30/9, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 16 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) cấp I, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, 30 quỹ tín dụng nhân dân (TDND) và 1 phòng giao dịch của Ngân hàng HTX Chi nhánh Nghệ An. So với thời điểm đầu năm 2016, mạng lưới các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tăng 1 chi nhánh NHTM cấp 1 và 2 quỹ TDND.
Bà Nguyễn Thị Diên - Giám đốc ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Hà Tĩnh: Chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh có tác động tích cực đến người dân cũng như ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều người dân mặc dù không có vốn vẫn cố mở rộng quy mô trạng trại, mô hình kinh tế để được hưởng hỗ trợ. Nhưng sau khi được hỗ trợ vay thì không có khả năng chi trả, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thu hồi nợ.
Về kết quả hoạt động, nguồn vốn huy động tại địa bàn tăng từ 16 – 18% so với năm 2015; dư nợ tín dụng tại địa bàn tăng 18 – 20% so với năm 2015; nợ xấu dưới 2% tổng dư nợ; các TCTD hoạt động an toàn và hoàn thành các chỉ tiêu ngân hàng cấp trên giao.
Đến ngày 30/9, tổng nguồn vốn huy động đạt 32.830 tỷ đồng, tăng 7,12% so với đầu năm, tăng 11,38% so với cùng kỳ; khối tổ chức tín dụng chính sách tăng 36,38% so với đầu năm, tăng 45,16% so với cùng kỳ.
Ông Hoàng Văn Thiệu - Giám đốc Ngân hàng Công thương Hà Tĩnh: Đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường đẩy nhanh cấp quyền sử dụng đất cho người dân, doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho người dân làm thủ tục vay vốn ngân hàng.
Với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên toàn địa bàn, các TCTD đã áp dụng đồng loạt nhiều giải pháp nhằm nới lỏng hoạt động cho vay, nhờ đó dư nợ của các TCTD tăng trưởng tốt và tăng đều qua các tháng. Theo đó, doanh số 9 tháng đầu năm đạt 39.177 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái; dư nợ cho vay đạt 30.542 tỷ đồng, tăng 13,83% so với đầu năm và tăng 21,10% so với cùng kỳ. Trong đó, khối NHTM tăng 14,55%, khối TCTD tăng 8,84%; doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đến 30/9 đạt 743 tỷ đồng với 4.874 khách hàng, số lãi đã và sẽ hỗ trợ khách hàng là 79,9 tỷ đồng. Dư nợ theo các quyết định HTLS đạt 2.444 tỷ đồng...
Ông Lưu Văn Minh - Giám đốc ngân hàng CSXH tỉnh: Vay vốn học sinh, sinh viên để giải quyết việc làm là từ nguồn vốn của Quỹ giải quyết việc làm của Trung ương. Lãi suất thấp, trong khi nhu cầu lớn nên nguồn vốn để cho vay không có, không đáp ứng đủ nhu cầu vay của người dân.
Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả ngành ngân hàng đạt được trong 9 tháng năm. Mặc dù trong bối cảnh chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển nhưng hoạt động tín dụng vẫn tăng trưởng khá.
Thời gian tới, ngành ngân hàng phải có cách tiếp cận và vận hành phù hợp với địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trong 3 tháng cuối năm, các TCTD cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để khách hàng vay vốn; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các quyết định hỗ trợ lãi suất và công khai các quyết định hỗ trợ lãi suất, vay vốn để khách hàng tiếp cận.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị các cấp, ngành cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn ngân hàng.
Dịp này, 2 đơn vị thực hiện ký kết quy chế phối hợp cung cấp thông tin giữa Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về chương trình, kết quả hoạt động giữa cơ quan dân cử và các ngân hàng.
Theo P.T/baohatinh.vn