Học hỏi cha ông trong xây dựng hương ước, quy ước
- Thứ ba - 07/10/2014 03:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ở Việt Nam, hương ước xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV, nó trở thành một hình thức “lệ làng” bổ sung cho pháp luật, điều chỉnh những quan hệ và tình huống phát sinh trong làng xã mà pháp luật không điều chỉnh hoặc chưa điều chỉnh được. Nó thấm đẫm những phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của cha ông. Vậy ngày nay, trong hương ước, quy ước có cần những phong tục tập quán nữa hay không?
Rõ ràng, hương ước mới cần phải gìn giữ những phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của cha ông ở góc độ là những thuần phong, mỹ tục. Những hủ tục tất nhiên phải loại bỏ.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn phát biểu tại tọa đàm “15 năm xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư” tại Hà Nội tháng 11/2013. |
Trong hương ước, quy ước ngày nay, phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa thường được nhóm lại trong phần cưới, tang, lễ hội. Tuy vậy, rất ít nơi quy định về hình thức, nội dung các ngày hội, ngày tế lễ, ma chay, cưới hỏi... mang bản sắc riêng của địa phương.
Tính đến tháng 6/2014, toàn tỉnh có 1.715/2.064 thôn, tổ dân phố có hương ước, quy ước được phê duyệt (đạt tỷ lệ 83%). Số thôn, tổ dân phố còn lại có hương ước đang được thẩm định hoặc đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên, qua điều tra, khảo sát, chúng tôi thấy có 4 hạn chế trong việc soạn thảo, ban hành hương ước, quy ước hiện nay cần khắc phục:
Thứ nhất, rất nhiều hương ước, quy ước đưa ra những điều đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nên không đúng tinh thần hương ước, quy ước là hình thức “lệ làng” bổ sung cho pháp luật, điều chỉnh những quan hệ, tình huống phát sinh trong làng xã mà pháp luật không điều chỉnh hoặc chưa điều chỉnh được. Theo đó, chỉ đưa những cái mà pháp luật chưa với tới. Thậm chí, một số hương ước có những quy định trái với các quy định pháp luật đã ban hành.
Thứ hai, một số hương ước, quy ước quá dài, văn phong rườm rà dẫn đến người dân khó nhớ, khó thuộc. Ngày xưa, ông cha ta viết hương ước khúc triết, ngắn gọn, thậm chí có nơi đã đặt hương ước thành văn vần để người dân dễ nhớ. Đặc biệt, thời xưa rất ít người biết chữ nhưng vẫn thuộc hương ước để thực hiện.
Thứ 3, việc triển khai xây dựng hương ước, quy ước ở một số địa phương còn hình thức: xây dựng chỉ để lấy tiêu chuẩn công nhận các danh hiệu văn hóa, các nội dung trong hương ước, quy ước chỉ mang tính hình thức, rất hạn chế áp dụng trong thực tế tại địa phương. Đặc biệt, có hiện tượng sao chép theo bản mẫu một cách cứng nhắc, không sửa chữa.
Thứ tư, theo quy định, hương ước, quy ước sau khi được phê duyệt, thực hiện thì hàng năm có sơ kết, tổng kết để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn hiện tượng chỉ xây dựng, soạn thảo, phê duyệt và đưa vào thực hiện là xong, không tổ chức sơ kết, tổng kết, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hương ước, quy ước.
Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh đối với Nhà thờ họ Nguyễn Duy ở thị trấn Nghèn (Can Lộc) |
Để khắc phục hạn chế trên, theo chúng tôi, rất cần học tập cha ông trong việc soạn thảo, ban hành hương ước, quy ước:
Phải chọn đúng người soạn thảo hương ước. Hương ước xưa thường do những trí thức của làng soạn thảo. Họ là những nho sĩ sinh sống ở làng quê, có kiến thức cũng như hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán địa phương. Xem danh sách những người ký trong hương ước làng Vĩnh Lại, tổng Mỹ Duệ, huyện Cẩm Xuyên, soạn thảo ngày 26 tháng giêng năm Tự Đức thứ 11 (1858) có đến 28 chữ ký với rất nhiều thành phần, trong đó có cả những chức sắc đương chức cũng như đã thôi chức. Một điều rất thiệt thòi cho làng xã hiện nay là giới trí thức rất ít, nếu không nói là rất hiếm người sống ở thôn quê. Điều này là một khó khăn rất lớn trong việc soạn thảo hương ước nói riêng và xây dựng, phát triển văn hóa nói chung ở nông thôn hiện nay.
Hương ước xưa có nhiều quy định “mở”, nhất là những khoản đóng góp, liên quan trực tiếp đến người dân. Hầu hết các khoản thu từ “thế tuần” đến “vọng tịch”, “vọng lão”, “tang ma”… hương ước đều quy định nhiều mức khác nhau, để tùy gia cảnh, “phong kiệm tùy tình” mà áp dụng. Những quy định này rất nhân văn, quan tâm đến nhóm người yếu thế trong làng xã, không “cào bằng” một cách máy móc.
Việc tuyên truyền phổ biến và thực thi văn bản rất thực tế. Hương ước xưa được sao thành nhiều bản; hàng năm, đến ngày có việc làng, tế lễ, hội hè, được mang ra tuyên đọc cho toàn dân nghe. Do bền bỉ như thế nên nhiều người dân xưa tuy không biết chữ mà thuộc hương ước làng mình. Mặt khác, hương ước được sử dụng hàng ngày để điều chỉnh các mối quan hệ và tình huống phát sinh nên tính thực tiễn rất cao. Cũng do thường xuyên sử dụng, tuyên đọc hương ước mà những bất cập nếu có đều nhanh chóng được phát hiện và điều chỉnh.
Học tập cha ông, đặc biệt là phát huy những thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa là cực kỳ quan trọng để các địa phương có hương ước, quy ước của dân, do dân và vì dân, có tính hiệu lực, hiệu quả cao trong điều chỉnh các quan hệ xã hội dân sự.
Thái Văn Sinh
Nguồn: baohatinh.vn