Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 7, nhiệm kỳ 2016-2021

Sáng 28/12, tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị), Ban Công tác Đại biểu Quốc hội phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 7, nhiệm kỳ 2016-2021 với chủ đề “Vai trò của HĐND tỉnh trong giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương - Thực trạng và giải pháp”.
Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 7, nhiệm kỳ 2016-2021

Tham dự hội nghị có đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trần Văn Túy - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu; đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Thường trực HĐND các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và đại diện Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng khai mạc hội nghị

 

Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy phát biểu đề dẫn

 

Phát biểu đề dẫn Hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nêu một số vấn đề để Thường trực HĐND các tỉnh cùng thảo luận và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về những cách làm hay, những giải pháp tốt, hướng tới mục tiêu tiếp tục phát huy vai trò HĐND tỉnh trong giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương.

Đoàn của HĐND tỉnh Hà Tĩnh tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền; lãnh đạo các Ban HĐND và Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh.

 

 

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Trương Thanh Huyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Trong những năm qua, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động, thực hiện tốt chức năng giám sát, phát hiện và kiến nghị khắc phục những bất cập, vướng mắc trong việc thực thi chính sách pháp luật của chính quyền các cấp, qua đó ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của cơ quan dân cử trong hệ thống chính trị tại địa phương. Vai trò của HĐND trong giám sát thực thi pháp luật tại địa phương được thể hiện chủ yếu ở hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh giữa hai kỳ họp; hoạt động chất vấn tại kỳ họp và giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh và trong hoạt động giám sát việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri. Việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND tỉnh đã tạo ra sự thống nhất cao trong áp dụng pháp luật ở địa phương và ban hành các chính sách tổ chức thực hiện; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền; đảm bảo HĐND thật sự là cơ quan quyền lực địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và cử tri, nâng cao vai trò của HĐND tỉnh trong đảm bảo thực thi pháp luật tại địa phương.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Phạm Bá Oai...

 

...Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Cái Vĩnh Tuấn...

 

Tiếp đó, đại diện Thường trực HĐND các tỉnh đã trình bày tham luận liên quan đến chủ đề về “Vai trò của HĐND tỉnh trong giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương”. Từ thực tiễn hoạt động, các đại biểu đề cập khá toàn diện hoạt động của HĐND trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình. Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, các tham luận đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương.

...và Phó Chủ tich HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền trình bày tham luận
 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Giám sát là chức năng cơ bản và quan trọng của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; đồng chí đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị “Vai trò của Hội đồng nhân dân trong việc giám sát thi hành pháp luật tại địa phương, thực trạng và giải pháp”. Đây sẽ là dịp để các đại biểu nhận thức sâu sắc hơn các quy định của Luật, được chia sẻ kinh nghiệm, phát hiện những khó khăn, bất cập, hạn chế, đồng thời có kiến nghị đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có giải pháp để thực thi hiệu quả hơn Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Tăng cường giám sát chuyên đề, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

 

 

Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đáp ứng nguyện vọng của cử tri đối với Hội đồng nhân dân các cấp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: Tiếp tục coi trọng và nâng cao vai trò của hoạt động giám sát trong các mặt hoạt động của Hội đồng nhân dân. Cần có sự đầu tư, nghiên cứu để chuẩn bị thật tốt chương trình, kế hoạch giám sát; tiếp tục đổi mới và chủ động, sáng tạo hơn nữa trong việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Ban, Tổ đại biểu HĐND trong việc xây dựng Chương trình, kế hoạch giám sát, bảo đảm không chồng chéo về thời gian, địa điểm, nội dung, đối tượng giám sát. Tăng cường giám sát chuyên đề, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương. Tiếp tục đổi mới và tăng cường hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tăng cường giám sát thông qua việc xem xét quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp dưới. Thường trực HĐND, các Ban HĐND cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, hậu giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận giám sát của các đối tượng giám sát, cần thiết phải tổ chức tái giám sát và đề nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý đối với trường hợp không thực hiện nghiêm túc kết luận giám sát. Thường xuyên quan tâm đến công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hoạt động nói chung, kỹ năng giám sát có tính chuyên sâu nói riêng cho các đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

 

 

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đề nghị các đồng chí tiến hành rà soát kết quả thực hiện các Nghị quyết, kế hoạch đã ban hành trong nhiệm kỳ chỉ ra những nhiệm vụ đã hoàn thành, nhiệm vụ chưa hoàn thành để đề ra biện pháp giải quyết dứt điểm trong năm 2020 làm căn cứ thực hiện cho nhiệm kỳ mới. Xuất phát từ vai trò của Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đề nghị phát huy cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của người đại biểu nhân dân khi tham gia cùng với đảng bộ các cấp để thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII sát với thực tiễn và nhu cầu của địa phương.

 
 

Kết thúc hội nghị, Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ đã thông qua, ký kết biên bản ghi nhớ và chuyển giao đăng cai Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 8, nhiệm kỳ 2016-2021 tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lê Trang - Lưu Thành/http://dbndhatinh.vn/