Hương Thọ nỗ lực cán đích đúng hẹn

Hương Thọ nỗ lực cán đích đúng hẹn
Là xã đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) năm 2017, những ngày cuối năm này, xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đang căng mình dồn sức hoàn thành mục tiêu.

Nhờ đó, diện mạo quê nghèo từng bước thay đổi, những đồi hoang đất trống trước kia được người dân phủ xanh các loại cây ăn quả, cơ sở vật chất được nâng cao theo từng tiêu chí. NTM đang hiện hữu trong từng gia đình, từng ngõ ngách, thôn xóm của miền quê Hương Thọ...

10-46-11_1
Cây cam được xem là một trong những giống cây chủ lực mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân xã Hương Thọ

Hương Thọ là xã nghèo, có điểm xuất phát thấp hơn so với nhiều địa phương khác. Ngay từ thời điểm rà soát xây dựng NTM, Hương Thọ đạt được số tiêu chí cực kỳ “khiêm tốn”.

Với trọng tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, những năm qua, Hương Thọ đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất cho giá trị kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ - nông nghiệp. Nhờ đó, kinh tế địa phương từng bước tăng trưởng ổn định, đời sống nhân dân ngày một nâng cao, hộ giàu, hộ khá tăng, hộ nghèo giảm.

Từ ngày xã phát động xây dựng NTM, vợ chồng anh Nguyễn Văn Công (thôn 5) xin đăng ký làm vườn mẫu. Thời gian đầu khai hoang, hai vợ chồng suốt ngày “cắm mặt” ngoài vườn, phát quang, dọn dẹp vườn đến đâu thì trồng cây đến đấy.

“Hiện nguồn thu nhập chính của gia đình tôi là 50 gốc cam và những gốc tiêu trồng xen kẽ. Toàn bộ hàng rào được phủ xanh bằng những cây chè, vừa cho thu nhập vừa tránh được bê tông hóa. Mỗi năm gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng từ vườn”, anh Công phấn khởi.

Không có được khu vườn rộng như anh Công, nhiều gia đình ở xã Hương Thọ đã vượt sông Ngàn Trươi khai hoang những vùng đất đồi để phát triển kinh tế. Vợ chồng anh Lê Phương Bắc (thôn 5, xã Hương Thọ, Vũ Quang) là một trong những hộ đầu tiên sang Tiểu khu 113 khai hoang hơn 2ha đất đồi hoang hóa để nhân rộng giống cam chanh xã Đoài. Sau 7 năm cuốc từng thước đất, gia đình anh Bắc đã có hơn 1.000 gốc cam cho thu hoạch.

Anh Bắc chia sẻ: “Trước đây, khu vực này chủ yếu là những đồi sim và cây chổi trện, đến mùa người dân sang đây hái sim, chặt cây về làm chổi hoặc kiếm củi bán, thu nhập chẳng đáng là bao. Năm 2010, tôi cùng với vài ba hộ dân thôn 5 vượt sông sang đây khai hoang trồng cây cam, cây keo…

Thấy hiệu quả, nhiều gia đình cũng sang đây khai hoang sản xuất, đến nay có khoảng vài chục hộ có nguồn thu đáng kể rồi. Với giá thu mua khoảng 25.000 - 35.000 đồng/kg cam, trừ chi phí, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Cam ở đây ngọt có thương hiệu nên thương lái đến tận vườn thu mua, không phải mất công tìm kiếm thị trường”.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Hương Thọ cho biết: “Hiện nay, cây cam là một trong những giống cây chủ lực của địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Hầu hết ở vùng này nhà nào cũng trồng cây cam, nhà làm lớn thì có hẳn một quả đồi vài ba hecta cam, còn không thì cải tạo đất vườn trồng dăm ba chục gốc cũng có thu nhập.

Theo thống kê, toàn xã có hơn 300ha cam trong đó có gần 300 mô hình cho doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên. Dự kiến trong năm 2017, xã vận động người dân trồng thêm 30ha nữa”.

Cũng theo ông Khánh, việc phát triển sản xuất, nhất là nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả là một trong những mục tiêu cốt lõi trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của địa phương.

Để thực hiện mục tiêu này, xã triển khai thành lập các tổ hợp tác trồng cây ăn quả nhằm liên kết sản xuất từ khâu cung cấp giống đến tiêu thụ sản phẩm. Toàn xã hiện có 8 tổ hợp tác, trung bình mỗi tổ có 10 thành viên.

“Bên cạnh đó, để đạt chuẩn trong năm 2017, chính quyền và nhân dân xã Hương Thọ đang ra sức xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng đạt chuẩn NTM. Xã đang dồn tổng lực đẩy mạnh việc hoàn thiện các tiêu chí trong quý IV này.

Hiện nay, khó khăn nhất của địa phương là việc mở rộng 2km trục đường chính từ cầu Hói Trùng vào trung tâm xã, xây dựng nghĩa trang các thôn 1, 3, 6 và xây dựng sân vận động của xã vì để hoàn thành các hạng mục này phải cần nguồn kinh phí khá lớn. Hiện chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm hỗ trợ từ các nguồn lực”, ông Khánh chia sẻ.

Trong 8 tháng đầu năm, Hương Thọ đã đổ và cắm 550 cột mốc giao thông trên các tuyến đường, thay thế đường dây và cột điện tại các thôn 5, 6, 7 và xây dựng 11,2km đường điện thắp sáng làng quê tại các thôn 1, 2, 4. Khuôn viên các nhà văn hóa thôn và cơ sở vật chất văn hóa cũng được chỉnh trang đạt chuẩn. Đặc biệt, trong năm nay, xã đã nâng cấp 56 nhà ở dân cư, chỉnh trang 127 hàng rào, 13 nhà tắm, 16 nhà vệ sinh, 33 chuồng trại...
TÂM ĐAN/ Nông nghiệp