Hướng đi bền vững nghề nuôi hươu ở Hương Sơn

Nhung hươu (còn gọi là lộc nhung) một trong bốn loại dược liệu bổ dưỡng gồm: Sâm - nhung - quế - phụ. Đối với người dân huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nghề nuôi hươu lấy nhung đã được hình thành cách đây hàng trăm năm. Mặc dù có những thời điểm nghề này gặp không ít thăng trầm, nhưng đến nay đã trở thành mũi nhọn góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế của người dân nơi đây.
Nuôi hươu nhỏ lẻ theo hình thức nuôi nhốt, cách làm phổ biến hiện nay ở huyện Hương Sơn.

Vào dịp cuối tháng 3-2012 về huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi tìm đến xã Sơn Phú một trong những địa phương có nghề nuôi hươu lấy nhung phát triển mạnh nhất trong huyện. Theo những người cao tuổi ở địa phương kể lại, từ những năm đầu của thế kỷ 20, nghề nuôi hươu đã có ở quê tôi rồi. Thời gian đầu chỉ một vài gia đình giàu có mới nuôi hươu để lấy nhung. Nhung thu hoạch được cũng chỉ lưu hành trong giới nhà giàu. Từ những năm 30 đến 40 của thế kỷ 20, nghề nuôi hươu ở huyện Hương Sơn mới phát triển mạnh mẽ trong các hộ gia đình và đã trở thành nơi cung cấp con giống cho các vùng trong tỉnh và nhiều địa phương khác.

Ông Đoàn Trọng Mai ở xóm 2, xã Sơn Phú (gia đình có truyền thống nuôi hươu từ 3 đời) cho biết: “Trước đây nghề nuôi hươu ở địa phương chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ. Đến năm 1968, Sở Nông nghiệp Hà Tĩnh đã thành lập trại hươu Sơn Lĩnh với cơ cấu nuôi tập trung theo mô hình bán tự nhiên, rào đồi, làm chuồng để tận dụng lá cây mọc ở đồi cùng với khoán cho công nhân cắt cỏ, chặt cành làm thức ăn cho hươu. Mô hình chăn nuôi tập trung tồn tại đến năm 1997, có giai đoạn nuôi gần 1000 con hươu và nai. Khi mô hình chăn nuôi tập trung không còn phát huy được hiệu quả, thì số hươu của trại được khoán về cho các hộ gia đình chăn nuôi”.

Nhớ lại thời kỳ vàng son của nghề nuôi hươu, ông Trần Duy Trinh, xóm Hồ Sơn, xã Sơn Trung tâm sự: “Từ năm 1996 đến năm 1999, nghề nuôi hươu ở quê tôi phát triển rất mạnh. Vào thời điểm này, thị trường cần nhiều hươu giống, người dân từ khắp các địa phương trong cả nước đổ xô về mua hươu giống, đẩy giá hươu giống lên từ 40 đến 50 triệu đồng/con (tương đương từ 40 đến 50 cây vàng). Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, giá rớt xuống còn từ 3 đến 4 triệu đồng/con. Không ít hộ gia đình khuynh gia, bại sản vì hươu. Thế là khá đông các hộ gia đình quay lưng lại với nghề này... Cứ tưởng nghề nuôi hươu sẽ thất truyền, nhưng rất may vẫn còn một số gia đình có truyền thống nuôi hươu lâu đời vẫn gắn bó với con hươu. Và con hươu đã không phụ tình người dân nơi đây”.

Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn huyện Hương Sơn có tới 28.000 con hươu, trong đó có 15.000 con hươu đực nuôi lấy nhung và cho thu hoạch khoảng 6 đến 8 tấn nhung/năm. Với giá bán trên thị trường hiện nay thì số nhung hươu này tương đương khoảng 60 đến 70 tỷ đồng. Đây là nguồn thu nhập không hề nhỏ. Chính nhờ nuôi hươu lấy nhung mà nhiều gia đình trong huyện đã giàu lên một cách bền vững. Có thể nói, con hươu đã qua thời bĩ cực và trở thành vật nuôi “mũi nhọn” trong xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Nhận thấy hiệu quả to lớn của nghề nuôi hươu, ngày 10-4-2008, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: “Hươu giống và nhung hươu Hương Sơn”. Thế là hươu sao Hương Sơn đã trở thành nhãn hiệu độc quyền trong nước và trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp nguồn nhung và hươu giống cho các địa phương trong cả nước.

Thế nhưng, khách quan đánh giá, nghề nuôi hươu ở huyện Hương Sơn vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của địa phương và vẫn thiếu tính bền vững. Ông Phạm Xuân Yên, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hương Sơn khẳng định: Toàn huyện có 8.395 hộ nuôi hươu, nhưng chủ yếu vẫn là nuôi tự phát, với quy mô nhỏ lẻ, hình thức chăn nuôi cơ bản là nuôi nhốt, chưa có các vùng tập trung nên dễ sinh dịch bệnh và rủi ro cao. Hơn nữa, sản phẩm làm ra chưa có thị trường mà chủ yếu bán qua thương lái nên thường bị ép giá, đặc biệt là sản phẩm nhung hươu mang tính thời vụ nếu không có phương tiện bảo quản, chế biến người chăn nuôi rất bị động.

Để giữ vững và phát triển thương hiệu của đàn hươu, huyện Hương Sơn đã và đang triển khai đề án “Phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020”. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như tiền hỗ trợ để cho người dân phát triển đàn hươu còn thấp, những cơ sở chăn nuôi tập trung với quy mô từ 10 con trở lên còn ít. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về chăn nuôi theo mô hình sản xuất hàng hóa còn chưa tốt… Để khắc phục được những điểm yếu này, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tập trung tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả của việc chăn nuôi tập trung. Cùng với đó, cần phát huy vai trò quản lý Nhà nước, sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, đặc biệt cần tập trung đẩy mạnh sự liên kết “4 nhà” trong việc tư vấn, hướng dẫn và chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi, đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra con giống tốt và tiêu thụ sản phẩm... Ngoài ra, cần tập trung vào phát triển và giữ vững thương hiệu cho đàn hươu Hương Sơn, bảo đảm cho người dân gắn bó với nghề và sống được với nghề nuôi hươu.

Theo QDND