Hướng phát triển kinh tế bền vững ở quê nhà

Hướng phát triển kinh tế bền vững ở quê nhà
Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, lao động người Nghệ hay bị các doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh khước từ, dẫn đến nhiều hệ lụy. Phải chăng đã đến lúc, lao động người Nghệ, với phẩm chất cần cù, chịu khó, cần ý thức về giá trị lao động của mình, tranh thủ tốt các chính sách về lao động - việc làm của địa phương để lập thân, lập nghiệp, ổn định đời sống ngay tại quê nhà...

 

Hướng phát triển kinh tế bền vững ở quê nhà
Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Dương Văn An thăm HTX thanh niên nuôi lợn tập trung ở Khánh Lộc - Can Lộc (tháng 11/2012). Ảnh: Nam Giang

Những năm 90 của thế kỷ trước, sức hấp dẫn của thị trường lao động, cụ thể là vấn đề tiền công tại DN thành phố Hồ Chí Minh, Sông Bé (tháng 1/1997 tách thành tỉnh Bình Dương và Bình Phước) đã tạo nên làn sóng di cư rầm rộ vào Nam. Nhiều làng quê, không ít cảnh “vườn không nhà trống” do người lao động bỏ lại để vào Nam lập nghiệp. Thậm chí, không ít học sinh chưa tốt nghiệp THCS cũng “thi nhau” bỏ học để vào Nam theo các anh chị lớn tuổi. Dễ hiểu là lúc đó, Nghệ Tĩnh (trước 1991) và Hà Tĩnh vẫn là tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng thấp kém, sản xuất hàng hóa chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp... Trong bối cảnh đó, thật khó lòng cưỡng lại sức hấp dẫn “miền đất hứa” – làm công ăn lương tại các DN.

Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, những năm qua, Hà Tĩnh đang nhanh chóng vươn lên thành tỉnh có cơ cấu kinh tế đa dạng và hợp lý, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông – lâm – ngư nghiệp sang công nghiệp - xây dựng và TM-DV. Điều này mở ra nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Song song với chính sách về phát triển kinh tế, trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Chính phủ ban hành “đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, tỉnh ta đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng trong đào tạo nghề, GQVL. Chỉ tính riêng về ngân sách phân bổ vốn đầu tư phát triển năm 2013, phát triển làng nghề 15 tỷ đồng, quỹ GQVL 10 tỷ đồng, chính sách đào tạo nghề 7 tỷ đồng.

Trong năm 2012, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh giai đoạn 2011 - 2020; số lượt lao động được GQVL trên 28.500 người, trong đó xuất khẩu lao động 5.000 người, đào tạo nghề 24.700 lao động (trong đó 5.200 lao động đào tạo liên kết), nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 38%.

Riêng huyện Thạch Hà, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho trên 2.000 lao động, tạo việc làm mới 3.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 31,5% năm 2008 lên 44,33% năm 2012.

Trong lộ trình xây dựng NTM, ngoài các chính sách của T.Ư, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách kích cầu phát triển sản xuất, thành lập các mô hình kinh tế, HTX, tổ hợp tác, trong đó nổi bật là Quyết định 24/QĐ-UBND và Quyết định 26/QĐ-UBND (điều chỉnh mới bằng các quyết định 11, 09). Nhờ tận dụng tốt các chính sách của tỉnh, nhiều địa phương đã vận dụng tốt cơ chế, tạo điều kiên thuận lợi để phát triển sản xuất.

Trong số lao động tận dụng tốt các chính sách về đào tạo nghề - việc làm, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế có một bộ phận lớn ĐVTN. Đó là những thanh niên không đồng hành với tư tưởng ly hương, cố gắng tìm mọi cách để ổn định tại quê nhà, góp phần chung tay xây dựng NTM.

Hướng phát triển kinh tế bền vững ở quê nhà
Mô hình thửa lạc mẫu của ĐVTN Chi đoàn Xuân Áng xã Xuân Viên (Nghi Xuân). Ảnh: Thế Công

Theo báo cáo của Tỉnh đoàn, trong 4 tháng đầu năm 2013, các huyện, thị, thành đoàn đã khởi công xây dựng và ra mắt được 16 mô hình kinh tế thanh niên. Tiêu biểu như mô hình nuôi lợn thương phẩm 350 con tại xã Lộc Yên (Hương Khê); HTX thanh niên nuôi lợn thương phẩm 500 con tại xã Đức Liên (Vũ Quang); xây dựng 5 mô hình trồng nấm ăn tại các đơn vị Kỳ Thư (Kỳ Anh), Thạch Hạ (thành phố), Sơn Thủy (Hương Sơn); mô hình chăn nuôi bò kết hợp trồng nấm tại xã Thạch Ngọc (Thạch Hà), chỉ đạo thành lập và ra mắt 3 HTX thanh niên tại Đức Nhân và Đức La...

Cùng với việc xây dựng các mô hình kinh tế, ĐVTN cũng đã tranh thủ tốt các chương trình hỗ trợ, nguồn vốn GQVL từ các kênh để phát triển kinh tế.

Quyết tâm của cấp ủy, chính quyền đã có, song cần nhất là sự thông thái của chính người lao động. Thay vì bị trả lương thấp, không đủ ổn định cuộc sống buộc phải quần quật tăng ca, tìm việc khác…, người lao động hoàn toàn có thể “hồi hương”, tận dụng tốt cơ hội, hệ thống chính sách về đào tạo nghề, cho vay vốn… để có tương lai vững chắc. Ở đây cần thái độ tích cực của người lao động trong việc tự “gỡ bỏ” tâm lí thụ động, trông chờ, thay bằng sự năng động, quyết đoán. Dĩ nhiên, để có được chiếc “cần”, “hồ câu” và “con cá” bền vững, phải có sự hỗ trợ hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, đòi hỏi cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở phải có tinh thần trách nhiệm và sự hiểu biết để định hướng, hỗ trợ người lao động đưa ra quyết định đúng.

Nguyễn Mạnh Hà
Theo baohatinh.vn