Hướng tới nền nông nghiệp phát triển toàn diện
- Thứ tư - 04/04/2012 01:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phong trào làm trang trại tổng hợp đang phát triển mạnh ở xã điểm NTM Thiên Lộc |
Qua gần 3 năm tổ chức thực hiện, Nghị quyết 08 của Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã đi vào cuộc sống với những kết quả đáng mừng. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã được phê duyệt. Theo đó, đã đầu tư xây dựng 9 công trình cấp nước tập trung; xây dựng mới và nâng cấp 5.500 công trình cấp nước phân tán; 37 công trình vệ sinh công cộng và 13.400 hố xí hộ gia đình; 5.000 công trình chăn nuôi hợp vệ sinh. Đưa tỷ lệ người dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 74,60%; 61% số hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh và 63% số hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh…
Với 4 đề án được tỉnh phê duyệt và đi vào hoạt động như: Đề án phát triển chăn nuôi lợn, Đề án phát triển ngành chăn nuôi, Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản và Đề án khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, có thể nói đã khơi dậy một động lực quan trọng, tạo nên sức bật lớn đưa bức tranh nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà thêm nhiều gam màu mới.
Đề án phát triển chăn nuôi lợn được triển khai, đã thu hút được sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Đối với các huyện, thị, thành phố, Đề án phát triển chăn nuôi lợn được triển khai đã mở ra một cơ hội lớn để đẩy nhanh việc xây dựng đề án phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt là đối với các xã làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện và tỉnh. Vì vậy, hầu hết các địa phương đã kịp thời quán triệt nội dung Đề án, triển khai các phần việc cần thiết như: khảo sát, chọn địa điểm, quy hoạch các vùng chăn nuôi lợn nái và lợn thương phẩm tập trung; thành lập các hợp tác xã chăn nuôi gia công, từng bước giảm dần nuôi theo hình thức nông hộ…
Chăn nuôi lợn đã và đang trở thành mũi phát triển trọng điểm trong cơ cấu sản xuất NN của tỉnh |
Đến nay, tổng đàn lợn của tỉnh thường xuyên ổn định ở mức gần 400 ngàn con, số lượng lợn xuất chuồng và sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng nhanh, đạt 43.000 tấn. Chăn nuôi phát triển theo hướng liên doanh, liên kết tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với xây dựng NTM mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.
Với tiềm năng khá dồi dào, với khoảng hơn 24.000 ha diện tích có khả năng đưa vào nuôi trồng thủy sản, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng 2020 của tỉnh sẽ tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường đối với nuôi tôm; phát triển các loài cá kinh tế, giống mới và thủy đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt đẩy mạnh đầu tư vào phát triển tôm thẻ chân trắng, một đối tượng nuôi đang mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất hiện nay.
Toàn tỉnh hiện có 256 trang trại nuôi trồng thuỷ sản và nuôi trồng thuỷ sản kết hợp có quy mô từ 2 ha trở lên, 17 doanh nghiệp và hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản. Mỗi năm nghề nuôi trồng thủy sản đã giải quyết việc làm, tạo nguồn thu khá cao và ổn định cho khoảng 20.000 lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn...
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08, tháng 8/2011, tỉnh đã ban hành Quyết định số 24 về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong năm 2011, UBND tỉnh đã phân bổ số kinh phí trên 8.700.000 ngàn đồng dành cho các mô hình xây dựng NTM.
HTX Thanh niên trồng hoa và dịch vụ tổng hợp ra đời đã đưa nghề trồng hoa ở xã Bắc Sơn (Thạch Hà) phát triển lên một bước mới |
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, tuy nhiên việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Thể hiện rõ nhất, đó là một số địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thiếu kế hoạch cụ thể cho địa phương mình và chưa xác định được bước đi và cách làm, nhất là chưa chủ động thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất nông nghiệp.
Các thủ tục về đầu tư, đất đai, tín dụng, chính sách còn nhiều vướng mắc, chưa tìm cách tháo gỡ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển sản xuất. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán; trong khi quy mô, diện tích, tiêu chí để được hưởng chính sách thì quá cao, chỉ các doanh nghiệp và các nhà đầu tư lớn mới tiếp cận được chính sách này. Quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập, hạn chế; đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật còn thiếu và yếu, chế độ chính sách chưa đảm bảo, nhất là ở cấp xã.
Thời gian tới, chính quyền các cấp cần tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các đề án, chính sách; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định 24 của UBND tỉnh để chủ động nguồn kinh phí hỗ trợ, ngoài chính sách của tỉnh cần có chính sách của địa phương để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống cả vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân. Hướng tới phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, gắn với công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại, bền vững.
Tiến Thành
Đài PT-TH Hà Tĩnh