Kết nối cung – cầu nhung hươu Hương Sơn
- Thứ hai - 07/10/2019 22:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
* Thu 270 tỷ từ chăn nuôi hươu
Đồng thời, xây dựng mô hình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tại một số trang trại quy mô lớn.
Huyện Hương Sơn tập trung xây dựng một số mô hình chăn nuôi hươu quy mô lớn tham gia Chương trình OCOP. |
Chăn nuôi hươu sao là nghề truyền thống của người dân huyện biên giới Hương Sơn từ bao đời nay. Vì là đối tượng nuôi chủ lực nên việc phát triển đàn hươu cũng có lúc trầm lúc bổng. Đầu ra là tác nhân chính khiến giá hươu giống có lúc lên đến 40 – 50 triệu đồng/con nhưng cũng có lúc rớt xuống 7 – 10 triệu đồng/con. Còn giá nhung, bình quân chính vụ chỉ đạt 900 ngàn đồng/lượng.
Chính vì đầu ra bấp bênh nên những năm gần đây, chính quyền huyện Hương Sơn tập trung khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp làm khâu trung gian kết nối cung – cầu cho người chăn nuôi.
Ông Phan Xuân Đức, Phó Trưởng phòng NN- PTNT huyện cho rằng, với tổng đàn hươu hơn 35.000 con hiện có, nếu không có chiến lược tìm kiếm đầu ra ổn định, bền vững thì hiệu quả kinh tế đem lại cho người dân sẽ không tương xứng với lợi thế vốn có của con hươu.
“Bình quân 3 năm về trước, tổng giá trị từ việc bán nhung và hươu giống trên địa bàn huyện đạt khoảng 250 tỷ đồng/năm (từ nhung 130 tỷ; từ con giống 120 tỷ). Tuy nhiên, sau khi hình thành một số doanh nghiệp xúc tiến đầu ra cho sản phẩm nhung vào đầu năm 2018, tổng giá trị từ chăn nuôi hươu năm 2019 đã tăng lên 170 tỷ đồng (trong đó, nhung 150 tỷ; con giống trên dưới 120 tỷ)”, ông Đức nói.
Trang trại nhà ông Phạm Văn Thưởng, Trần Thị Tuyết, thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung là một trong 3 mô hình chăn nuôi hươu sao của huyện Hương Sơn tham gia Chương trình OCOP. Với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của ngành chuyên môn, ông Thưởng đang chuyển dần từ chăn nuôi truyền thống thành mô hình khép kín, có chọn lọc, từ con giống, xây dựng chuồng trại, lựa chọn thức ăn, hợp tác bao tiêu đầu ra với các doanh nghiệp...
Ông Thưởng nói: “Từ trước đến nay chúng tôi chỉ chú trọng khâu giống, bây giờ tham gia OCOP phải đảm bảo về vùng nguyên liệu cỏ sạch, ký hợp đồng bao tiêu đầu ra. Nhờ đó, thúc đẩy doanh thu năm 2019 đến nay đạt hơn 300 triệu đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện trang trại của tôi đang nuôi 65 con hươu đực và 25 con hươu cái".
Song song với việc xây dựng quy trình nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm nhung, năm 2018, Cty CP Nông nghiệp Hương Sơn ra đời đã trở thành “bà đỡ” đưa sản phẩm nhung hươu đến với nhiều khách hàng trên địa bàn cả nước.
Theo ông Trần Đình Chiến, Giám đốc công ty, từ trước đến nay nhung hươu thường được biết đến là “thần dược” dành cho giới thượng lưu. Vì vậy, ông thành lập công ty nhằm hỗ trợ người nuôi xúc tiến thương mại. “Sau gần 2 năm, chúng tôi đã tiêu thụ được hơn 750kg nhung tươi; trên 1.530 hộp nhung khô và gần 1.000 hộp cao đế nhung cho gần 500 hộ chăn nuôi hươu. Đáng mừng là ngoài mở rộng thị trường, giá bán nhung cũng tăng lên 10 – 20% so với trước đây”, ông Chiến nói.
Đặc biệt, Cty CP Nông nghiệp Hương Sơn hướng đến chế biến sâu thông qua việc thuê một số công ty dược gia công sản phẩm như rượu nhung hươu, cao đế nhung hươu, thực phẩm chức năng…, bởi năng lực của công ty chưa đủ điều kiện xây dựng một nhà máy sản xuất dược đạt chuẩn GMP theo quy định. |