Khẩn trương xuống đồng khôi phục sản xuất

Khẩn trương xuống đồng khôi phục sản xuất
Để kịp thời khôi phục các diện tích bị thiệt hại do mưa lũ, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương động viên, hỗ trợ nông nông dân khẩn trương xuống đồng tiến hành làm đất, gieo trồng các loại ru màu, cây vụ đông...

May mắn hơn các địa phương vùng rốn lũ như Hương Khê, Vũ Quang đang lập trung ổn định đời sống dân sinh, làm vệ sinh môi trường..., huyện Thạch Hà chỉ bị ngập cục bộ và nước rút sớm nên việc khôi phục sản xuất đến thời điểm này đã được triển khai khá rầm rộ.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Trưởng phòng NN&PTNT Thạch Hà cho biết: “Vụ đông năm nay, huyện có kế hoạch sản xuất 1.000 ha rau màu, 400 ha khoai, 400 ha ngô sinh khối liên kết. Thế nhưng, trận mưa lũ vừa qua đã làm hư hỏng 225 ha ngô, khoai, rau màu các loại. Để kịp thời khôi phục các diện tích bị thiệt hại, đảm bảo thời vụ, tăng năng suất cây trồng, phòng cũng đã tham mưu điều chỉnh giảm diện tích khoai xuống 200 ha và tăng diện tích ngô nguyên liệu lên 600 ha...”.

khan truong xuong dong khoi phuc san xuat

Nông dân thôn Đông Sơn, Thạch Xuân ra quân làm đất...

Phương châm nước rút đến đâu, làm đất đến đó và quyết tâm không để trống diện tích đã được Chủ tịch UBND huyện Trần Việt Hà chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương, đồng thời, quán triệt đến tận người dân trong chuyến thực địa động viên, thăm hỏi bà con vào ngày 18/10 vừa qua. Trên tinh thần ấy, huyện đã có cơ chế hỗ trợ giống cho nông dân, đồng thời, kêu gọi Công ty CP Giống cây trồng giúp đỡ bà con cung ứng các loại giống đảm bảo chất lượng, đủ số lượng. Ngoài ra, một số xã như Thạch Xuân, Thạch Văn cũng có chính sách hỗ trợ 30% phân bón hóa học cho người dân.

Xác định đây là vụ sản xuất chính trong chu kỳ sản xuất hàng năm, đem lại giá trị thu nhập cao nên ngay sau khi nước rút, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã bắt đầu rộn rã ra đồng, làm đất gieo trồng. Tại xã Thạch Xuân, ngay sau lễ phát động ra quân của xã vào ngày 18/10, sự khẩn trương, hối hả của bà con đã làm đổi thay không khí trên những cánh đồng. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huy Hà cho biết: “Vụ đông, chúng tôi được giao sản xuất 40 ha ngô sinh khối nguyên liệu nhưng với tinh thần quyết tâm của người dân, đến nay, diện tích đăng ký đã lên tới 48 ha. Với tiến độ này, khoảng 25/10 là chúng tôi hoàn thành kế hoạch”.

khan truong xuong dong khoi phuc san xuat

...trỉa ngô sinh khối vụ xuân

Trong mấy ngày gần đây, người dân thôn Đông Sơn cũng gấp gáp chạy đua với thời vụ. Ông Đặng Đình Tứ, một người dân cho biết: “Đây là vụ ngô nguyên liệu đầu tiên của gia đình nhưng tôi cũng mạnh dạn trồng 5 sào bởi trước đó đã thấy rõ năng suất của loại cây này từ một số nhà trồng thí điểm. Ngoài ra, trồng ngô sinh khối thời gian ngắn, ít rủi ro và có thể cải tạo chất đất. Đặc biệt, bà con còn được hỗ trợ giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm nên tôi rất yên tâm”.

Cùng niềm tin như ông Tứ, nhiều gia đình như ông Nguyễn Văn Hồ, Nguyễn Thị Hồng, Võ Viết Dần (thôn Đông Sơn), Nguyễn Duy Tương (thôn Quyết Tiến) cũng đã đăng ký và đang khẩn trương gieo trồng mỗi hộ từ 3-5 sào…

Tại Thạch Văn - nơi được xem là vựa rau của huyện, công tác chuẩn bị cho vụ đông cũng đã sẵn sàng. Chủ tịch UBND xã Dương Văn Thái cho biết: “Vụ đông năm nay, chúng tôi có 30 ha khoai bị hư hỏng nhưng xã đã kịp thời chuyển đổi sang trồng ngô và duy trì 39 ha rau. Với chính sách hỗ trợ của huyện, xã, người dân cũng hết sức phấn khởi. Ngay sau khi nước rút, việc làm đất đang được triển khai rầm rộ”.

khan truong xuong dong khoi phuc san xuat

Gia đình anh Hồ Văn Thái (thôn La Xá, xã Thạch Lâm) nhổ bỏ các loại rau bị hư hỏng để tiến hành trồng mới.

Một số cánh đồng, diện tích rau màu ở Thạch Lâm vẫn còn bị ngập nhưng để duy trì sinh kế, không cho đất nghỉ, các gia đình đã tập trung khôi phục diện tích trồng rau màu ngay tại vườn nhà. Anh Hồ Văn Thái (thôn La Xá) cho biết: “Hầu hết 2 sào rau cho thu nhập mỗi tháng trung bình 6 triệu đồng đều bị hư hại do mưa lũ. Nhưng với sinh kế của gia đình, nên ngay từ khi nước bắt đầu rút, vợ chồng tôi đã tiến hành dọn dẹp, nhổ bỏ những cây chết, làm đất để chuẩn bị gieo giống, phấn đấu đến giữa tháng 11 có sản phẩm để bán”. Không chỉ gia đình anh Thái mà hầu hết các hộ trong “xóm rau” La Xá, như: anh Đệ, chị Bính, ông Nhân, ông Bính... đều đã sẵn sàng nguồn giống, phân bón để kịp thời gieo trồng.

Chỉ còn gần 10 ngày nữa, lịch sản xuất vụ đông khép lại. Vì thế, để chạy đua với thời gian, không chỉ các xã Thạch Xuân, Thạch Văn hay Thạch Lâm mà hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Thạch Hà cũng đang khẩn trương xuống đồng khôi phục sản xuất.

Theo: Ngọc - Thu/baohatinh.vn